Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Có bột mới gột nên hồ'

Làm việc tại Công ty Cổ phần Dệt may 29-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao năng lực và sự phát triển của công ty này từ một tổ hợp sản xuất nhỏ sang quy mô nhà máy hiện đại, khang trang như hiện tại.

"Quanh quẩn với chăn bông sẽ không sống nổi"

Phó Thủ tướng cho rằng ngành công nghiệp nói chung và dệt may nói riêng nếu không chịu đổi mới là sẽ thất bại. Vì vậy mà Đảng và Nhà nước cũng xác định đổi mới phải liên tục và các doanh nghiệp phải nghiên cứu về quy mô sản xuất và có các bước đi thích hợp trong quá trình hội nhập sắp tới.

Nhấn mạnh sự phát triển của doanh nghiệp phải gắn trực tiếp với người lãnh đạo gương mẫu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Tâm huyết và ý chí của người lãnh đạo là ở chỗ đó chứ không phải là an phận thủ thường”.

Phó Thủ tướng lưu ý là lãnh đạo thì phải kiên trì, kiên nhẫn, kiên định đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. “Chúng ta làm được việc này việc khác, đóng góp được cho ngân sách nhưng không kiêu ngạo trong sự phát triển, chúng ta luôn luôn khiêm tốn học hỏi để phát triển” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng người lãnh đạo doanh nghiệp khi làm việc thì phải tránh lộn xộn, tham nhũng, tiêu cực, hay bệnh ỷ lại thành tích hoặc là coi thường vai trò hệ thống chính trị. Bởi mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không phải là mô hình kinh tế thị trường bình thường.

Phó Thủ tướng cho hay cần phải xây dựng một lớp lãnh đạo trẻ hơn để điều hành trực tiếp, tâm huyết trách nhiệm và kế tiếp truyền thống và có một lớp người kế cận xứng đáng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Có bột mới gột nên hồ' ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo và gợi ý hướng phát triển cho ngành dệt may. Ảnh: LÊ PHI

Phó Thủ tướng cũng cho rằng các doanh nghiệp cần nắm bắt khoa học công nghệ và mạnh mẽ hội nhập, đặc biệt là đối với ngành dệt may. Phải tìm thị trường mới và cách làm mới. Còn cứ quay quẩn với "chăn bông không thì sao sống nổi".

Phó Thủ tướng nhắc nhở đã là lãnh đạo các doanh nghiệp thì cần phải chăm lo cho đời sống công nhân. “Nếu chúng ta chỉ chú ý đến lợi tức, cổ tức mà cắt cúp tiền lương, quan hệ nội bộ không tốt thì dứt khoát có phản ứng theo đó. Chúng ta nuôi công nhân nhưng ngược lại công nhân nuôi lại chúng ta. Nếu như họ có sức khỏe, sản phẩm tốt, có năng suất lao động và họ có tinh thần yêu công ty như yêu quê hương đất nước thì mới thành công. Cho nên thu nhập của người lao động là rất quan trọng chứ không phải chỉ là cổ tức” - Phó Thủ tướng nói.

Muốn phát triển Đà Nẵng phải có 3 triệu dân

Trong buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị lãnh đạo của TP Đà Nẵng cần nghiên cứu đến vấn đề hội nhập quốc tế sâu rộng đang và sẽ diễn ra. Nếu tất cả đơn vị tại TP Đà Nẵng đều có một sự tỉnh ngộ trong việc hội nhập sắp tới cần làm cái gì thì sẽ chủ động hơn. Do vậy, cần phải chủ động, đón đầu đi trước bằng sự quyết tâm của những người lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình, hy sinh để có một sự phát triển chung của TP. 

Phó Thủ tướng, chia sẻ: “Tôi đồng ý là những nguy cơ của ngành dệt may như người lao động đến thời điểm 50 tuổi là khó khăn nhưng mà nước nào cũng vậy thôi. Ví dụ, người lao động ở Mỹ họ cũng phải ba lần học tập để chuyển nghề các đồng chí ạ, không thể tuyệt đối được”. Phó Thủ tướng cho rằng cần phải nghiên cứu có hệ thống để có những sản phẩm mới, có quy mô lớn hơn để đón thời cơ hội nhập TPP về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm bởi “có bột thì mới gột nên hồ”.

“Tôi đồng ý là chúng ta cần có công nghệ cao ở TP Đà Nẵng. Một quy luật của sự phát triển là có công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghệ cao. Phải đón tắt đi đầu một bước nhưng mà phát triển hệ thống đó phải giải quyết được vấn đề lao động, không chỉ cho Đà Nẵng mà cả miền Trung” - Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Có bột mới gột nên hồ' ảnh 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dệt may 29-3. Ảnh: LÊ PHI

Về vấn đề lao động và dân cư để TP Đà Nẵng phát triển. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã từng nói với các lãnh đạo TP là không thể để TP Đà Nẵng với số dân cư dưới 1 triệu dân được. Muốn hệ số thương mại xuất hiện ở TP Đà Nẵng thì dứt khoát TP phải có ít nhất 3 triệu dân.

“Khi đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư) hỏi đồng chí Phan Văn Khải (nguyên Thủ tướng Chính phủ thời điểm đó là phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch TP.HCM) rằng, anh cho biết 3 triệu dân TP.HCM (lúc này TP.HCM mới 3 triệu) sống bằng cách gì. Không ai biết trả lời làm sao cả. Ông đi ba ngày rồi quay lại nói là tự họ sẽ nuôi lấy họ. Người đánh giày, người dệt may, người xích lô, xe thồ, bán bánh mì… sẽ tự nuôi sống họ. Còn ông lưa thưa quá (dân ít quá) thì làm sao được. Cho nên phải nghĩ tới cái hướng của TP này để có công ăn việc làm cho người lao động và nâng TP lên” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Đà Nẵng tụt hậu Thường vụ Thành ủy có lo không?

Theo Phó Thủ tướng,  Việt Nam đang hội nhập với 55 nước Á, Âu nhưng sản phẩm mình chưa có cái gì, quy mô sản phẩm quá nhỏ bé trong khi họ tràn ngập vào chúng ta. Vì vậy, chúng ta bằng thời gian lợi thế cần có bước chuyển mình cần thiết. Thời cơ của hội nhập cũng rất lớn đối với ngành dệt may khi không còn hạn ngạch, không còn thuế quan nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Có bột mới gột nên hồ' ảnh 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo cho TP Đà Nẵng nếu tụt hậu sẽ không xứng đáng với vai trọng trung tâm quan trọng nhất miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: LÊ PHI.

Phó Thủ tướng cũng lo cho TP Đà Nẵng về tốc độ tăng trưởng và nguồn thu của TP. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng thì giá trị doanh nghiệp nhà nước mang vào Quảng Nam chỉ 1% còn 99% là để lại Đà Nẵng. Nhưng bây giờ giá trị công nghiệp của tỉnh Quảng Nam tương đương với Đà Nẵng rồi, thậm chí hơn nữa. Và nếu thu nội địa thì đã đạt 16.000 tỉ đồng rồi.

"Nếu chúng ta không thấy được sự chậm này thì chúng ta tụt hậu, đồng nghĩa với việc chúng ta không xứng đáng là vai trò trung tâm quan trọng nhất của miền Trung -Tây Nguyên. Thường vụ, UBND TP có lo không?" - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Để giải quyết nỗi lo này, Phó Thủ tướng cho rằng con đường phát triển quan trọng nhất vẫn là sản xuất và dịch vụ. "Đồng ý, du lịch là mũi nhọn nhưng sản xuất luôn là chiếm ưu thế tốt nhất và ít bị biến động nhất. Chúng ta phải đi hai chân (du lịch và sản xuất) chứ không thể đi một chân được đâu. Mong hai chân này các đồng chí nghiên cứu để phát triển tốt hơn. Chính vì thế TP Đà Nẵng cần có nghị quyết chuyên đề để phát triển trong thời kỳ mới” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm