Phó Thủ tướng: Nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai còn thấp

"Ở đâu người đứng đầu quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai thì ở đó chủ động và hạn chế được thiệt hại do thiên tai" - đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 diễn ra vào sáng nay, 4-6.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Ảnh: VGP

357 người chết và mất tích do thiên tai

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra hết sức phức tạp, dị thường, làm hơn 8.200 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế trên 210 tỉ USD. Riêng tại Việt Nam, năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, đồng thời gây ra thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỉ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, có 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.

Còn theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, thiên tai ngày càng nghiêm trọng, điển hình là năm 2020. Tỉnh Thanh Hóa đề xuất tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dung; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai.

Cùng quan điểm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị rút ngắn thời gian cảnh báo lũ, sạt lở và có ứng dụng trên điện thoại để cảnh báo thiên tai.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá năm 2020 thiên tai xảy ra dồn dập gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên đã giảm thiểu được phần nào thiệt hại do thiên tai gây ra. Góp phần trong nỗ lực ấy có sự tham gia tích cực của lực lượng quân đội, công an, các cơ quan thông tấn báo chí và chính quyền, nhân dân các địa phương.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng cũng cho rằng công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như công tác lãnh đạo chỉ đạo có lúc, có nơi chưa được kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao. Do vậy một số thiệt hại đáng tiếc đã xảy ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: VĂN NGÂN

Cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thấp, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu các phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Vì vậy những thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 vẫn còn lớn.

“Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực. Việc hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai ở một số địa phương còn chậm. Việc cứu trợ, hỗ trợ, thực hiện các thủ tục sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách còn chậm” – Phó Thủ tướng nói.

Nêu ra những bài học kinh nghiệm, Phó thủ tướng cho rằng công tác dự báo cần làm sao cho chính xác. Bài học về vai trò người đứng đầu cần sâu sát, cụ thể, triệt để thực hiện phương châm bốn tại chỗ.

"Ở đâu người đứng đầu quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai thì ở đó chủ động được và hạn chế được thiệt hại do thiên tai" – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng người dân. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần được quan tâm toàn diện hơn mới có thể khắc chế được, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19, các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Về các giải pháp thực hiện, Phó thủ tướng yêu cầu đối với các cơ quan trung ương cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác, triển khai các biện pháp hiệu quả nhất cho công tác phòng chống thiên tai.

Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị, ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung để xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển…

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc đầu tư trang thiết bị không chỉ trong công tác dự báo mà trong quá trình cứu hộ, khắc phục hậu quả cũng rất quan trọng.

“Nếu một khu vực bị chia cắt do mưa bão mà chúng ta cứ tiến thẳng vào, như đợt vừa rồi bị sạt lở thì rất nguy hiểm. Nhưng có những thiết bị có thể giúp chúng ta quan sát từ xa, để có thể tránh những trường hợp thiệt hại đáng tiếc. Do đó, đầu tư trang thiết bị không chỉ cho dự báo mà trong quá trình cứu hộ, cứu nạn rất quan trọng” - Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy