Phó Thủ tướng: Không để lây nhiễm trong khu cách ly

Sáng 31-5, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo UBND TP.HCM đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số điểm ở TP.HCM.

Phòng cách ly nên tối đa hai người

Khoảng 11 giờ trưa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra khu cách ly tập trung TP tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Tại đây, đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nguồn lực đến công tác đảm bảo các phương án cách ly tập trung từ cấp độ thấp đến cấp độ cao nhất khi nơi này có thể tiếp nhận khoảng 19.000 người đến cách ly.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Trương Hòa Bình cho biết dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Do cấp độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, vì vậy các biện pháp phòng chống dịch phải được kích hoạt ở mức cao nhất, quyết liệt nhất để phòng ngừa dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Ông đề nghị mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa hai người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên tới bốn người/phòng.

Ông yêu cầu quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly. “Người cách ly người, phòng cách ly phòng, cách ly giữa các tòa nhà” - ông Bình nói và yêu cầu trong khu cách ly phải có nội quy, quy chế, kỷ luật và cần thiết thì xử phạt hành chính nếu người trong khu cách ly vi phạm.

Ông giao ĐH Quốc gia TP.HCM chuẩn bị phương án cách ly với công suất 19.000 giường, hỗ trợ kinh phí để nơi này lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra phòng chống dịch tại Công ty TNHH Mtex Việt Nam. Ảnh: TÁ LÂM

Cảnh giác ở mức cao nhất trong các khu công nghiệp

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tại ba công ty thuộc Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Khu chế xuất Tân Thuận là nơi có lượng công nhân nhiều nhất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM với hơn 61.000 lao động.

Tại đây, ông đến kiểm tra các phân xưởng sản xuất, khu vực văn phòng và khu vực nhà ăn của ba công ty đều có 100% vốn Nhật Bản gồm: Công ty TNHH Mtex Việt Nam (sản xuất phụ tùng cơ khí ô tô) có 450 công nhân, Công ty TNHH Kim May Organ (sản xuất kim may các loại) có 1.250 công nhân và Công ty Nikkiso Việt Nam (sản xuất bộ dây chuyền máu dùng cho máy lọc thận) có 1.650 công nhân.

Tại mỗi nơi đến kiểm tra, ông Trương Hòa Bình đều yêu cầu công ty nâng cao hơn nữa công tác phòng dịch cho công nhân, khi làm việc cần chia ca để đảm bảo không tập trung quá đông người trong một khu vực.

Phó Thủ tướng cũng dặn dò công nhân lao động tại các phân xưởng giữ gìn sức khỏe, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Đồng thời, ông đề nghị ban giám đốc các công ty phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của TP.HCM, cũng như niêm yết công khai các quy định về phòng chống dịch COVID-19 để người lao động tuân thủ thực hiện.

Khi đến kiểm tra khu vực nhà ăn của Công ty TNHH Mtex Việt Nam, nhận thấy vách ngăn mỗi bàn ăn dành cho công nhân hơi thấp, ông yêu cầu công ty này lắp vách ngăn cao hơn để phòng dịch. Ông cũng yêu cầu hằng ngày công ty phải thông báo tình hình dịch COVID-19, cập nhật các điểm dịch đến từng công nhân.

Theo ông Trương Hòa Bình, mặc dù số ca mắc tại TP.HCM là thấp so với các điểm nóng khác nhưng nguy cơ bùng phát lại rất cao. Nếu để dịch bùng phát trên địa bàn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đến phát triển kinh tế của TP. Do vậy, để hoạt động sản xuất ổn định thì công tác đảm bảo an toàn phải được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Chí Hiếu, người quản lý Công ty TNHH Mtex Việt Nam, cho biết ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã thực hiện rất nghiêm công tác phòng chống dịch như cập nhật thông tin về tình hình dịch trên thế giới và ở Việt Nam mỗi ngày. Cùng với đó, yêu cầu công nhân trở về từ các nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng… sau dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển.

Đợt kiểm tra này của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhằm chuẩn bị cho buổi làm việc của ông với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM diễn ra vào sáng nay (1-6).

“TP.HCM phải đi trước một bước”

Chiều 31-5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng lưu ý TP.HCM nên lấy bài học từ Ấn Độ là bệnh nhân đã không có bình ôxy để thở khi dịch bệnh lan rộng tại nước này. Do đó, TP.HCM phải lường trước kịch bản xấu nhất để chuẩn bị đủ phương tiện bình ôxy, máy thở, kể cả ECMO kịp thời cấp cứu các bệnh nhân.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế tính toán phù hợp phương án chi viện giữa các địa phương, cần luân phiên lực lượng để giữ sức, không dồn hết ra tiền tuyến. Bên cạnh đó phải hết sức “tiết kiệm” bác sĩ ở những khâu lấy mẫu, xét nghiệm.

Phó Thủ tướng đề nghị TP phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tính toán đối tượng, số lượng tiêm, khuyến khích chủ doanh nghiệp tham gia xã hội hóa để tiêm cho công nhân, người lao động.

“TP phải đi trước một bước, không thể chậm được” - Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề mua vaccine, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức cho biết TP đã chuẩn bị được một ít nhưng nguồn mua rất khó khăn, giá cả cũng là vấn đề, rất cần hỗ trợ. “Giá vaccine rất khác nhau, TP lại không có thông tin, rất khó nếu mua trực tiếp với bên sản xuất. Cần mở rộng cơ chế để mua vaccine, người dân đang chấp nhận chích ngừa với tỉ lệ rất cao nhưng không có nguồn” - ông Đức nói.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết hiện các bệnh viện ở TP đang điều trị cho 221 bệnh nhân, trong đó có một ca bệnh nặng từ An Giang chuyển về BV Bệnh nhiệt đới đang chạy ECMO, thở máy, tình trạng tạm ổn định.

Sở Y tế cũng dự trữ 200 máy thở trong kho, phương án xấu nhất, Sở Y tế có thể huy động được 2.000 giường và kiến nghị TP bố trí đơn vị không thuộc y tế như trưng dụng nhà thi đấu thể thao thêm 3.000 giường.

Cũng theo ông Thượng, mặc dù Bộ Y tế ra quy chế dự trù 5% phương án bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu nhưng TP tính đến cả phương án tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh nên quyết định dự trù 20% số ca nặng. HOÀNG LAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm