Phi công Vietnam Airlines sắp nhận lương mới?

Sau chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về quản lý đảm bảo nguồn nhân lực tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ngay trong tuần này, Đoàn bay 919 thuộc Vietnam Airlines sẽ tổ chức họp phổ biến chế độ lương mới đối với phi công của Tổng Công ty.

Cụ thể, Đoàn bay 919 dự kiến thực hiện họp tại hai địa điểm ở Đoàn bay phía Nam và Đoàn bay phía Bắc nhằm phổ biến chế độ lương mới đối với phi công từ ngày 1/1/2015.

lương mới, phi công, Vietnam Airlines, đặc biệt

Theo khung tiền lương cơ bản của phi công mà Vietnam Airlines dự kiến áp dụng, một cơ trưởng người Việt Nam lái tàu bay A321 có bậc cao nhất hưởng lương 92 triệu đồng/tháng (trước thuế), cơ trưởng bậc cao nhất lái B777, B787, A330, A350 hưởng mức lương 102 triệu đồng/tháng (trước thuế).

Mức thu nhập cao nhất trong khung tiền lương cơ bản của phi công thuộc về chức danh Giáo viên kiểm tra năng định (TRE). Cụ thể, giáo viên kiểm tra năng định các loại tàu bay B777, B787, A330, A350 hưởng lương trước thuế là 132 triệu đồng/tháng, đối với tàu bay A321 là 122 triệu đồng/tháng và ATR72/F70 là 109 triệu đồng/tháng.

Một lãnh đạo trong ngành hàng không nhìn nhận, hiện tượng lao động của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho một hãng khác trong nước đã âm ỉ từ lâu và đến nay có nguy cơ bùng lên, do hãng kia đang trong giai đoạn tăng trưởng “nóng” kể từ khi hãng ra nhập thị trường hàng không.

Nguyên nhân là do thu nhập của hãng này hấp dẫn hơn. Lý giải nguyên nhân muốn chuyển việc, các ý kiến của đội ngũ phi công trên một diễn đàn riêng cho rằng chính sách lương của Vietnam Alines chưa hợp lý.

Một trong những điểm chưa hợp lý đó là cùng một trình độ nhưng phi công nước ngoài được trả lương gấp hơn 4 lần phi công người Việt.

Về vấn đề này, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, thuê phi công nước ngoài, Vietnam Airlines không phải tốn chi phí đào tạo, trong khi chi phí đào tạo một phi công căn bản lên đến 2,5 tỉ đồng.

Sau đó, người phi công này còn phải bay thực tế nhiều ngàn giờ nữa mới có thể trở thành cơ phó hay cơ trưởng, trong đó có một thời gian đi học ở nước ngoài.

Chưa kể, trong quá trình làm việc, Vietnam Airlines còn phải tổ chức các khóa học đào tạo tiếp theo để phân cấp và chuyển loại phi công.

Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), năm 2013, thu nhập bình quân của phi công VNA là 74,8 triệu đồng/người/tháng.

Mức thu nhập này tuy có cao hơn so với năm 2012 nhưng thấp hơn so với giai đoạn trước đây. Trong khi đó, chi phí nhân công chiếm khoảng 8 - 9% cơ cấu chi phí của Tổng Công ty.

Trước đó, sau khi nhiều nhân viên kỹ thuật cao của Vietnam Airlines xin nghỉ việc để chuyển đổi nhà khai thác, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị về quản lý, đảm bảo nguồn nhân lực tại VNA.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vietnam Airlines rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2015.

Theo chỉ thị, trong thời gian qua tại VNA đã xảy ra hiện tượng nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao liên quan đến hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay nghỉ việc để xin chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không khác.

Hiện tượng này tạo ra sự xáo trộn, suy giảm nguồn nhân lực kỹ thuật cao (phi công, điều hành khai thác bay, nhân viên kỹ thuật tàu bay) của VNA.

Bộ GTVT coi hiện tượng này là "tình hình cấp bách".

Hiện tượng trên được cho là tác động trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hãng hàng không quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt.

Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, cũng như uy hiếp an toàn bay.

Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines phải thực hiện những giải pháp cấp bách về chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục để ổn định tình hình, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng Công ty.

Hãng cũng phải rà soát, bổ sung kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA.

Bên cạnh đo,́ cần tăng cường công tác kiểm tra các hãng hàng không Việt Nam để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực khai thác của hãng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm