Phê bình nghiêm bộ, ngành không nộp báo cáo về tiết kiệm

Ngày 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2019 có nhiều điểm sáng, tích cực và toàn diện. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận vẫn còn những mặt hạn chế, cần nghiêm túc nhìn nhận, sớm khắc phục.

“Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương một số nơi bị buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao” - ông Dũng thừa nhận.

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng việc chấp hành quy định về lập, gửi chương trình và báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa nghiêm.
Đáng chú ý, đến thời điểm 25-3-2020 (khi Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thì vẫn còn 4/35 bộ, ngành và 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả. 

Cạnh đó, một số báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả tiết kiệm chống lãng phí tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nên báo cáo của Chính phủ không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, nhất là các vi phạm, sai sót. 

“Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” - ông Hải nói.

Cơ bản đồng tình với các đánh giá của Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng do tình trạng lập và gửi báo cáo như trên nên một số nhận định, đánh giá chưa có số liệu minh chứng cụ thể, còn chung chung; chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Đồng thời, báo cáo chưa đánh giá, so sánh một số chỉ tiêu so với mục tiêu đặt ra năm 2018, kể cả các mục tiêu lượng hóa được. Chẳng hạn, trong báo cáo năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành…; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định… Tuy nhiên, báo cáo năm 2019 không có đánh giá việc thực hiện.

Trong kiến nghị của mình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Thường vụ Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ông Hiển, năm ngoái Thường vụ Quốc hội đã phê bình việc này nhưng năm nay vẫn tiếp diễn. “Tôi đề nghị đồng chí bộ trưởng liệt kê đầy đủ các bộ, ngành, địa phương này. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ các địa phương này và kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương không báo cáo... Là Quốc hội phê bình chứ không phải Thường vụ phê bình nữa” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm