Phạt nguội: CSGT Hà Nội đề xuất ôtô phải mở tài khoản giao thông

Theo thông tin từ CSGT Công an Hà Nội, năm 2014, trong công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 600.000 trường hợp vi phạm, tiền xử phạt hơn 170 tỷ đồng; tạm giữ gần 24.000 phương tiện; tước giấy phép lái xe gần 33.000 trường hợp. Tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đến năm 2015, lực lượng CSGT Công an Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật ATGT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào vào tuần tra kiểm soát để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Trong đó có việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, áp dụng “xử phạt nguội”. 

"Phạt nguội" đã được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu. Biện pháp này khắc phục rất nhiều những bất cập trong xử lý vi phạm giao thông mà các cơ quan báo chí đã phản ánh.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết rõ hơn về vấn đề này.

Phạt nguội: CSGT Hà Nội đề xuất ôtô phải mở tài khoản giao thông ảnh 1
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng CSGT, Công an Hà Nội

Thưa Thiếu tá, được biết năm 2015 Hà Nội sẽ đẩy mạnh áp dụng biện pháp “xử phạt nguội” đối với những hành vi vi phạm giao thông. Vậy tính đến thời điểm hiện nay, việc áp dụng này như thế nào?

Sau một thời gian thí điểm triển khai áp dụng công nghệ thông tin xử phạt vi phạm giao thông, chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông luôn có ý thức chấp hành đầy đủ quy định ATGT, đồng thời có sự phản hồi rất tích cực từ cơ quan báo chí, truyền thông. 

Năm 2015, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện trung tâm đèn, lắp đặt hệ thống camera quy định về xử phạt, cũng như camera đo đếm lưu lượng phương tiện để nhanh chóng tiến hành áp dụng “xử phạt nguội”.

Thứ nhất, việc áp dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm giao thông có tác dụng rất lớn, giảm thiểu áp lực về số lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường. Tại trung tâm, thông qua hình ảnh phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý.

Thứ 2, thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt. Thực tế, có hiện tượng người tham gia giao thông ngó trước, nhìn sau nếu không có CSGT là vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ quy định, chở hàng cồng kềnh, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu. Đây là một trong những nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông. Khi ứng dụng “phạt nguội”, người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định về an toàn giao thông.

Những lý do trên khiến chúng tôi thấy rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý vi phạm giao thông rất có ý nghĩa.

Hiện nay, việc tiến hành chuẩn bị phương tiện, thiết bị cho "phạt nguội" như thế nào?

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phối hợp với Ban ATGT, Sở Giao thông vận tải, tiến hành lắp đặt trên tất cả tuyến đường trọng điểm, những nơi thường xuyên xảy ra những vi phạm, để hình ảnh đó được truyền về trung tâm đèn, có thể giám sát được phương tiện, những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Hiện tại, chúng tôi đã tiến hành lắp đặt.

Qua việc thí điểm “xử phạt nguội”, CSGT Công an Hà Nội thấy có những khó khăn gì?

Việc áp dụng camera vào trong việc xử phạt mang lại lợi ích, thuận lợi cho công tác đảm bảo ATGT, như tôi đã nói trên. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, việc xác minh chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm. Thực tế, vừa rồi Chính phủ, Bộ Công an cũng ra những nghị định, thông tư về việc quy định các phương tiện phải tiến hành sang tên chuyển chủ đúng sở hữu, tuy nhiên, không phải tất cả, có những trường hợp, người ta không sang tên chuyển chủ. Đây là một trong những vấn đề gây khó khăn khi tiến hành xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm.

Thứ 2, có trường hợp xe chính chủ nhưng thường xuyên thay đổi địa điểm, nơi ở, nơi làm việc mà chưa thay đổi thông tin trong đăng ký. Cũng là một trong những khó khăn trong truy nguyên người điều khiển phương tiện vi phạm.

Thứ 3, vấn đề cưỡng chế trong vi phạm hành chính, như nước ngoài khi tham gia giao thông, khi sở hữu phương tiện sẽ có những tài khoản giao thông. Ở Việt Nam vấn đề đó vẫn chưa được áp dụng. Chúng tôi đang tiến hành kiến nghị và đề xuất, trước hết đối với phương tiện xe ô tô khi tham gia đăng ký phương tiện sẽ phải mở một tài khoản giao thông, nếu trong trường hợp có vi phạm, chúng tôi sẽ căn cứ theo tài khoản ra quyết định xử phạt trừ vào tài khoản. Điều này tạo điều kiện trong xử phạt.

Còn thuận lợi của việc áp dụng “xử phạt nguội” như thế nào, thưa thiếu tá?

Việc áp dụng biện pháp này sẽ giảm tải cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Ngoài ra, qua hình ảnh camera có đầy đủ bằng chứng để chứng minh những vi phạm của người tham gia giao thông.

Theo tôi, ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ ngày càng được nâng lên khi áp dụng biện pháp này. Nhất là khi người tham gia giao thông luôn suy nghĩ rằng, bất cứ vi phạm nào của họ đều có thể bị xử phạt, kể cả không có lực lượng cảnh sát giao thông.

Việc sử dụng biện pháp "phạt nguội" cũng khiến cho việc xử lý vi phạm giao thông trở nên khách quan, công bằng hơn, thưa thiếu tá?

Vâng, đúng thế!

Vậy khi nào thì áp dụng chính thức xử phạt nguội?

Trong quý I năm 2015, chúng tôi sẽ áp dụng xử phạt bằng biện pháp này.

Cảm ơn thiếu tá!

Theo Hồng Chuyên (Infomet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm