Phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước

Chiều 25-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Thời hạn bảo vệ “tuyệt mật” là 30 năm và có thể kéo dài

Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm cho hay từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo bị lộ, mất.

“Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế...” - ông Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ. Cùng đó là các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Cụ thể: Tuyệt mật là 30 năm; tối mật: 20 năm; mật: 10 năm. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Điều này được người đứng đầu Bộ Công an cho hay là để thực hiện chủ trương của Đảng về công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, tạo điều kiện để công dân thực hiện các quyền cơ bản theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ảnh: TTXVN

Cần rõ nội hàm “cần giữ bí mật”

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt cho biết ủy ban tán thành việc phân loại bí mật nhà nước theo ba cấp độ như dự thảo luật (mật, tối mật, tuyệt mật). Tuy nhiên, ủy ban đề nghị quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước, làm rõ nội hàm “cần giữ bí mật”.

Cũng theo ông Việt, một số ý kiến trong ủy ban đề xuất bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Có ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.

Liên quan đến vấn đề giải mật, có ý kiến trong ủy ban cho rằng việc quyết định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thế nhưng dự thảo lại quy định thẩm quyền giải mật do hội đồng giải mật quyết định là chưa thống nhất với thẩm quyền quy định tại Điều 10 của dự thảo luật.

Ý kiến khác lại cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí...

Cũng theo ông Việt, một số ý kiến trong ủy ban đề nghị mặc dù khu vực cấm, địa điểm cấm không phải là bí mật nhà nước nhưng là nơi chứa đựng thông tin bí mật nhà nước, nơi diễn ra các hoạt động bí mật nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định mang tính khái quát về khu vực cấm, địa điểm cấm để có biện pháp quản lý và bảo vệ, tuy nhiên cần loại trừ những khu vực cấm, địa điểm cấm đã được các luật khác điều chỉnh.

Thủ tướng quyết định danh mục tuyệt mật, tối mật

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, kế thừa quy định của pháp lệnh, dự thảo luật phân loại bí mật nhà nước thành ba cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật nhà nước được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật và tối mật. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ mật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm