Phạt bên mua xe “không sang tên, đổi chủ”

Ba bộ GTVT - Công an - Tư pháp đã thống nhất quan điểm về xử lý vi phạm “xe không chính chủ” trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt và báo cáo Chính phủ như trên. Theo đó, hành vi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được thừa kế” bị phạt với mức rất thấp so với quy định hiện hành (xin xem box). Việc xác minh để phát hiện vi phạm trên chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Công an cần sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe là cá nhân, tổ chức mua, được cho, được tặng, được thừa kế xe. Đồng thời, đề nghị lộ trình áp dụng xử phạt dự kiến bắt đầu từ ngày 1-1-2015 đối với ô tô và từ ngày 1-1-2017 đối với xe máy. (Tuy nhiên, theo Bộ Công an, thời điểm áp dụng quy định xử phạt này nên thực hiện thống nhất đối với ô tô và xe máy và cùng bắt đầu từ 1-1-2015 hoặc áp dụng đối với xe máy từ 1-1-2016).

Trước đó, khi xây dựng dự thảo nghị định này, Bộ GTVT đã nhiều lần kiến nghị không xử phạt hành vi không sang tên xe. Dư luận cũng băn khoăn về căn cứ pháp lý của việc quy định phạt hành vi này.

Về vấn đề trên, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng, trong đó lý giải: Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Mặc dù việc chuyển quyền sở hữu xe thuộc quan hệ dân sự, song việc đăng ký quyền sở hữu xe là quy định bắt buộc. Đây cũng là thông lệ của rất nhiều nước trên thế giới. Nếu không tuân thủ quy định đăng ký xe, cụ thể là “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” khi bán, cho, tặng… thì đây là hành vi vi phạm hành chính nên bị xử phạt hành chính. Quy định này không mới mà đã có từ năm 1995, sau đó các Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 tiếp tục kế thừa.

Việc đăng ký chuyển quyền sở hữu xe cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bán xe ngay tình trong trường hợp người mua không sang tên xe nhưng sử dụng xe để phạm pháp rồi bỏ trốn. Đồng thời, tạo điều kiện để cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của chủ phương tiện khi gây tai nạn, chở hàng phạm pháp nhưng người điều khiển xe bỏ trốn… Bộ Tư pháp cũng khẳng định quy định xử phạt nhằm áp dụng đối với hành vi không “sang tên, đổi chủ”, không phải phạt việc “sử dụng xe không chính chủ” như dư luận lo ngại.

Phạt bên mua xe “không sang tên, đổi chủ” ảnh 1

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm