Phập phồng đi qua cầu vượt Tân Vạn

Ngày 26-7-2014, cầu vượt tại nút giao Tân Vạn được thông xe. Cầu dài gần 560 m với ba làn dành cho xe cơ giới và một làn cho xe hai bánh. Bước đầu, công trình đã giải quyết được phần nào tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ của ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Vừa khai thác đã không ổn

Tuy nhiên, sau nhiều ngày khai thác, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương và TP.HCM phát hiện nhiều bất ổn trong tổ chức giao thông và thiết kế công trình ở cả hai hạng mục cầu vượt và nút giao.

Cụ thể, trên cầu vượt không có dải phân cách giữa làn xe máy với các làn ô tô đi thẳng hướng từ Đồng Nai vào TP.HCM. Khu vực ngã ba của đoạn nhập dòng xe từ tỉnh lộ ĐT 743 vào quốc lộ 1 và rẽ phải sang đường Nguyễn Xiển không có đèn tín hiệu nên giao thông rất rối.

Ngoài ra, Trung tá Phạm Minh Phước, Phó Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc (TP.HCM), cho hay qua tuần tra đội đã phát hiện nguy cơ tai nạn rất cao của các dòng xe trên hướng từ đường tỉnh ĐT 743 (Bình Dương) khi đi vào nút giao, chui qua dạ cầu vượt đến ngã ba giao cắt với đường Nguyễn Xiển để nhập vào quốc lộ 1, rồi hướng về cầu Đồng Nai cũ.

Dòng xe từ TP.HCM đi Biên Hòa thường ùn ứ trên đường bên hông cầu vượt Tân Vạn. Người đi xe máy phải len lỏi, vượt lên trước đầu các xe tải cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: L.ĐỨC

“Đoạn đường này có mật độ xe container và xe máy rất lớn. Khi chui qua dạ cầu vượt, do đường uốn cong nên tầm nhìn của người lái xe container, người đi xe máy bị che khuất dẫn đến xe máy rất dễ cuốn vào gầm xe container” - Trung tá Phước cho biết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC - đơn vị quản lý dự án cầu Đồng Nai mới và các công trình, đoạn tuyến từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP Biên Hòa), cho biết: Khu vực ngã ba nhập, tách dòng ĐT 743 - quốc lộ 1 vừa được lắp đèn tín hiệu nên nguy cơ ùn tắc, TNGT đã giảm. Riêng đoạn cong dưới dạ cầu vượt vẫn giữ nguyên nhưng tới đây DNC sẽ mở đường nhánh mới dành riêng cho xe máy chui dưới dạ cầu vượt.

Nguy cơ từ đường tạm

Theo thiết kế ban đầu, dưới dạ cầu vượt Tân Vạn không có vòng xoay, trụ đèn tín hiệu cho các dòng xe từ TP.HCM ra, Biên Hòa vào, đường tỉnh ĐT 743 và tỉnh lộ 16 (từ hướng Đồng Nai) dồn vào nút. Vì thế xe từ tỉnh lộ 16 ra muốn đi về hướng Biên Hòa sẽ phải đi tới điểm quay đầu trên đường ĐT 743, cách nút giao hơn 500 m để đi vào đường chui dưới dạ cầu vượt Tân Vạn.

“Nếu thiết kế làm vòng xoay dưới dạ cầu thì sẽ phải giải phóng mặt bằng rất lớn mà quỹ đất của tỉnh Bình Dương không còn. Vậy nên phải thiết kế các dòng xe đi lòng vòng như thế” - ông Sơn giải thích.

Riêng dòng xe từ TP.HCM ra, muốn đi về đường ĐT 743 hoặc về tỉnh lộ 16 (theo thiết kế) sẽ phải đi theo con đường mới mở rồi chui quay đầu dưới dạ cầu Đồng Nai cũ và mới để trở lại quốc lộ 1, rẽ phải vào các nhánh rẽ dưới cầu vượt Tân Vạn để về các tuyến đường trên. Theo ông Sơn, để mở được con đường mới rộng hơn 10 m thì phải “xắn” vào nhà 23 hộ dân gần chân cầu Đồng Nai cũ. Tuy nhiên, đến nay việc bồi thường, giải tỏa vẫn chưa được người dân đồng thuận.

Để giải quyết tạm nhu cầu quay đầu của một số xe dưới năm tấn hoặc dưới 30 chỗ, DNC cho khai thác đường tạm, rẽ phải từ sát chân cầu Đồng Nai cũ, đi vào cua tay áo vừa dốc vừa có độ nghiêng 10%. “Đường tạm có cua gắt, dốc và nghiêng nên các loại ô tô và người đi xe máy rất dễ bị lật qua trái hoặc đâm thẳng vào hàng tôn chắn bên phải” - ông Sơn thừa nhận.

Điều nguy hiểm nhất là con đường tạm này dù đã cấm xe tải trên năm tấn nhưng hằng ngày vẫn có nhiều xe tải trọng trên 24 tấn ngang nhiên đi qua mà không bị xử phạt.

Ba điểm nghẽn

Đoạn quốc lộ 1 từ ngã tư Vũng Tàu đến dưới chân cầu vượt nút giao Tân Vạn hướng về TP.HCM dài chưa tới 3 km nhưng có tới ba điểm nghẽn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông cho cửa ngõ TP. Đó là nút giao cầu vượt Tân Vạn, trạm thu phí cầu Đồng Nai và nút giao cầu vượt ngã tư Vũng Tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm