Pháp luật thiếu thống nhất gây khó cho việc cai nghiện

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12-2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đáng báo động, tình trạng người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần, “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như giết người gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Bộ LĐ-TB&XH vừa cho biết như trên trong văn bản báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện công tác cai nghiện ma túy năm 2020.

Tính đến hết tháng 12-2020, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 93.724 người, trong đó số tiếp nhận mới năm 2020 là 55.480 người. Số đối tượng tái hòa nhập cộng đồng 51.729 người, hiện đang quản lý 41.019 người.

Học viên cai nghiện đang lao động tại một trung tâm ở TP.HCM. Ảnh: HTD

31.480 học viên đang cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, 4.718 người cai nghiện tự nguyện và số chờ lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 3.845 người. Tại 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đang điều trị cho 976 người. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy như Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, thiếu sót, chưa thống nhất. Việc lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn quy định về cai nghiện cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy) không thống nhất với Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính nên gây khó khăn cho địa phương trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cạnh đó, khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy giao cho chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, trong khi Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 giao cho TAND cấp huyện.

“Chưa hết, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng nhưng thiếu tiêu chí xác định thời gian cụ thể, dẫn đến tình trạng các mức thời gian cai nghiện của các đối tượng khác nhau, gây bức xúc cho học viên…” - Bộ LĐ-TB&XH dẫn chứng.

Hiện tệ nạn ma túy phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, xác định tình trạng nghiện khó khăn, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại cơ sở y tế để xác định tình trạng nghiện không quy định cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền tạm giữ nên khó thực hiện...

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện Chương Cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua trong năm nay... 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 12-2020, số người bán dâm trên cả nước ước tính hơn 10.000 người và con số thực tế có thể cao hơn. Phương thức hoạt động mại dâm chủ yếu là lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ như massage, karaoke, cà phê…, hoặc thông qua các công ty tổ chức sự kiện, công ty dịch vụ trá hình để hoạt động mại dâm…

Việc xuất ngoại để bán dâm đang có chiều hướng gia tăng, theo đó là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích mại dâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm