ĐÀ NẴNG:

Phản đối việc xây cầu đi bộ 30 triệu USD trên sông Hàn

Ngày 8-4, lần đầu tiên trong “lịch sử” Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng (UBMTTQVN) tổ chức lấy ý kiến phản biện về dự án cầu đi bộ qua sông Hàn mà TP có chủ trương xây dựng. Đây là dự án trọng điểm được dư luận hết sức quan tâm.

Quá lãng phí

Theo đó, dự án này sẽ được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) và do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời làm chủ đầu tư với số tiền trên 600 tỷ đồng (30 triệu USD). UBND TP Đà Nẵng đã chọn phương án cầu đi bộ qua sông Hàn có kiến trúc hình Vỏ Sò (cầu Vỏ Sò-PV) của nhà tư vấn Hyder Consulting (Hoa Kỳ). Địa điểm xây dựng là khu vực đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) và đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà). Để hoàn trả vốn cho Tập đoàn Mặt Trời, TP Đà Nẵng sẽ phải trả bằng…đất.

Phản biện dự án này, ông Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng, cho hay: “Vào thời điểm hiện nay liệu bỏ ra hàng chục triệu USD để xây dựng thêm cầu cho người đi bộ có quá lãng phí không, khi mà tất cả những cây cầu hiện hữu vẫn đảm bảo và thừa chức năng phục vụ. Chỉ riêng những cây cầu bắc qua sông Hàn đã phải đầu tư mất gần 1 tỷ USD”. 

 “Trên thế giới người ta cũng xây dựng cầu đi bộ vượt sông, nhưng đó là chuyện của nhà giàu khi đô thị đã phát triển đồng bộ. Trong khi đó, TP bỏ tiền ra xây cầu để làm đẹp và làm lợi cho nhà đầu tư (hai đầu cầu đi bộ đều có dự án, công trình của Tập đoàn Mặt Trời-PV) mà chưa có một sự đánh giá nào cụ thể về hiệu quả sử dụng và phục vụ dân sinh” - ông Hải, nói thêm.

Ông Phan Đức Hải cũng cho rằng, nhiều nhà nghiên cứu nói TP Đà Nẵng đang bội thực những cây cầu. “Mức đầu tư lớn mà chỉ phục vụ cho nhu cầu đi bộ trong khi nền kinh tế suy thoái, thu nhập người dân còn thấp thì chỉ là gánh nặng cho ngân sách phải trả trong tương lai. Thiết nghĩ nên dành kinh phí này cho các dự án văn hóa, công viên xanh….các thiết chế văn hóa mà TP đang thiếu”, ông Hải chia sẻ.   

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), lại “nghi ngờ” về thời gian dự án ra đời quá nhanh. “Từ lúc bắt đầu đến lúc chọn phương án chỉ có 35 ngày thì thật là một siêu tốc, khó hình dung nổi”, ông An nói.

Theo ông An, đây là cây cầu đi bộ “không bình thường”. Vì “mang tiếng” là đi bộ nhưng cầu lại có điểm dừng chân để giải trí, ẩm thực, sinh hoạt sự kiện… và còn xây cả một đảo giữa sông Hàn với sức chứa lên tới 500 người để kinh doanh dịch vụ. “Cô giáo và học sinh ở Điện Biên chưa có lấy một cây cầu tạm, phải chui vào túi nilon để qua sông đến trường. Tivi, báo chí phản ánh còn rất nhiều cây cầu treo nguy hiểm tới mạng sống với con người. Không ai cấm chúng ta xây dựng cầu đẹp, hiện đại nhưng chúng ta phải biết chia sẻ, chưa nên làm những cái gì gây phản cảm và hiệu quả mang lại chưa cao” - ông An góp ý.  

Đồ án thiết kế cầu đi bộ Vỏ Sò qua sông Hàn. LÊ PHI

Lo ngại trở thành “tư viên”

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho hay: “Hiện nay có nhiều người rất tự hào với danh hiệu Đà Nẵng – TP những cây cầu song cũng có người cho rằng Đà Nẵng đang vươn lên hội nhập toàn…cầu. Cũng có người chê Đà Nẵng đang làm xấu cảnh quan sông Hàn bằng việc xây nhiều cầu. Tuy nhiên, cái quan trọng là không được để tiền thuế của dân trôi ra biển”.

Theo ông Tiếng, hiện tại TP Đà Nẵng cũng đang có một cây cầu đi bộ khác gắn liền với lịch sử cần nâng cấp đó là cầu Nguyễn Văn Trỗi và nếu lựa chọn theo thứ tự ưu tiên thì chắc chắn phải chọn cây cầu này.

Đồng tình với các quan điểm trên, KTS Tô Văn Hùng, Phó Trưởng khoa Kiến trúc ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, cho rằng: “Dự án cầu đi bộ sẽ không mang lại hiểu quả cao trong khai thác sử dụng, lại rất khó đảm bảo an toàn cho người thưởng lãm nếu cầu là nơi để xem sự kiện pháo hoa. Ngoài ra, công trình xây dựng nhằm kết nối hai khu thương mại dịch vụ hai bên bờ sông Hàn, như vậy đối tượng khai thác của cầu đi bộ phải chăng là những người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này. Do đó, tính đại chúng sẽ không cao và lợi ích xã hội của cầu đi bộ mang lại rất nhỏ. Liệu rằng người dân có thể tự do đi lại trên cây cầu này hay không (lo ngại biến khu vực cầu đi bộ thành “tư viên” giống như các dự án ven biển chiếm luôn bãi biển không cho dân vào tắm-PV)”.

KTS Hùng kiến nghị: “Trước mắt nên nghiên cứu sử dụng cầu Nguyễn Văn Trỗi để tránh lãng phí vì thực tế Đà Nẵng từng lãnh phí tiền bạc trong việc đầu tư công viên nước, nhà biểu diễn đa năng, trung tâm triển lãm…”.

Gánh nặng cho ngân sách

Phản đối việc xây cầu đi bộ 30 triệu USD trên sông Hàn ảnh 2 

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cho rằng chưa cần thiết xây cầu đi bộ Vỏ Sò. LÊ PHI

Ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng UBMTTQVN TP Đà Nẵng cho rằng, chưa cần đưa cầu Vỏ Sò vào danh mục dự án BT năm 2014 như báo cáo dự án đề nghị. “Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của TP theo chúng tôi là chưa hội đủ điều kiện để xây dựng, nhất là khả năng về vốn và hiệu quả đầu tư mang lại khi triển khai dự án. Vì ngân sách TP còn hạn hẹp, nợ đầu tư xây dựng cơ bản lớn, thêm vào đó là khoản nợ 1.500 tỷ đồng trái phiếu mà TP đang gồng gánh”- ông Dũng góp ý.

Đại diện chủ đầu tư cầu đi bộ Vỏ Sò trình bày về dự án tuy nhiên nhiều ý kiến trong cuộc làm việc cho rằng xây cầu này là chưa cần thiết. LÊ PHI. 

Góp ý cho TP Đà Nẵng, TS Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ ra: “Xu hướng hiện nay là hạn chế và dần chấm dứt hình thức hợp đồng BT (cầu Vỏ Sò theo hình thức BT). Điển hình như ở Hà Nội, cuối năm 2012 có 63 dự án theo hình thức BT nhưng mới có 12 dự án đang triển khai còn các dự án khác đã bị bãi bỏ. Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ là sớm chấm dứt tình trạng đầu tư theo hình thức BT để tránh tình trạng doanh nghiệp “chạy” dự án ở địa phương, địa phương “chạy” ngân sách trung ương. Về thực chất đầu tư theo hình thức BT là vay tiền làm dự án trước, TP thanh toán sau và phải chịu lãi vay cao làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách TP. Do đó, theo chúng tôi, TP nên từ chối việc áp dụng hình thức đầu tư BT đối với dự án cầu đi bộ qua sông Hàn”.

Sau khi nghe các ý kiến phản biện trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “Sẽ nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận, xem xét các ý kiến của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu thực hiện dự án. Đây là một cuộc phản biện hết sức có ý nghĩa và MTTQVN TP cần phải thường xuyên tổ chức để tìm ra được sự đồng thuận khi thực hiện các dự án lớn của TP”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm