Phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa - Bài 2: Nên coi như dịch vụ công

Như bài trước đã đề cập, cách phân cấp của Bộ GTVT trong lĩnh vực đăng kiểm tàu thuyền đã gặp sự phản ứng của địa phương. Nhiều địa phương cho rằng kiểm định viên của họ hoàn toàn đủ khả năng để đăng kiểm các phương tiện có trọng tải, công suất lớn, trừ tàu biển.

“Không thể nói cấp sở thua cấp cục”

Ông Phùng Ngọc Việt, Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (Trạm Đăng kiểm) Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, phân tích và đặt vấn đề: “Về chuyên môn, nghiệp vụ, đăng kiểm viên các sở và các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm đều được đào tạo như nhau và đều do Cục Đăng kiểm trực tiếp đào tạo. Quá trình đào tạo không hề có việc phân lớp tải trọng dưới hoặc trên các thông số 200 tấn, 135 mã lực. Ngoài ra, thâm niên công tác, trình độ chuyên môn là những cột mốc để phân cấp các đăng kiểm viên. Trình độ như nhau, trang thiết bị đăng kiểm ngày càng hiện đại hóa nhưng chỉ được phép đăng kiểm các phương tiện nhỏ là tại sao?”.

Ông Tống Thế Kha, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết theo quy trình đào tạo một đăng kiểm viên là sau khi tốt nghiệp người đó sẽ đi thực tập ở những trạm, trung tâm đăng kiểm một năm. Sau đó những nơi này sẽ tổng hợp số phương tiện mà người thực tập trực tiếp đăng kiểm, năng lực… bằng văn bản gửi về Cục Đăng kiểm để xem xét. Sau đó Cục Đăng kiểm trực tiếp giám sát các thao tác đăng kiểm của người này. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, Cục Đăng kiểm sẽ cấp thẻ đăng kiểm viên. Quy trình này áp dụng cho tất cả đăng kiểm viên. “Nhưng nếu đăng kiểm viên về làm ở các đơn vị trực thuộc Cục thì được đăng kiểm các tàu thuyền lớn là sự bất hợp lý do quy định tạo ra” - ông Kha nói.

Phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa - Bài 2: Nên coi như dịch vụ công ảnh 1

Tàu thuyền ngày càng được đóng lớn nên lực lượng đăng kiểm các tỉnh, thành cùng kiến nghị được trực tiếp đăng kiểm cho các tàu thuyền lớn. Ảnh: V.THUẬT

Nên coi như dịch vụ công

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm Sở GTVT TP.HCM, đề xuất cần xem đây là một dịch vụ công thì mới phù hợp với thực tế hiện nay. Khi đó, chủ tàu thuyền có quyền chọn đơn vị nào phục vụ tốt để đăng kiểm thay vì phải đăng kiểm sà lan chỗ này, đăng ký tàu kéo chỗ khác.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Tống Thế Kha cho rằng Cục Đăng kiểm nên ban hành các tiêu chí cụ thể trong quản lý nhà nước về việc đăng kiểm. Nếu địa phương nào đáp ứng đủ các điều kiện thì phân cấp cho địa phương đó được quyền đăng kiểm tất cả phương tiện như các đơn vị thuộc Cục. Cục chỉ nên giữ vai trò quản lý nhà nước chứ không nên bao cấp. Với vai trò giám sát của mình, nếu các địa phương được phân cấp nhưng sau một thời gian mà nhân lực, trang thiết bị không đáp ứng được các yêu cầu thì Cục có quyền không cho địa phương đó đăng kiểm tàu thuyền lớn nữa. “Hiện chúng tôi muốn trang bị thêm trang thiết bị nhưng chỉ làm các tàu thuyền nhỏ thì trang bị thêm để làm gì. Còn bảo chưa có nhân lực nhưng với cơ chế như thế, quy định như thế, nếu chúng tôi nhận người về thì tiền đâu ra để trả lương cho họ trong khi họ chỉ ngồi chơi” - ông Kha đặt vấn đề.

Theo ông Phùng Ngọc Việt, cách phân cấp như hiện nay giống như chia nhau một miếng bánh. Vì vậy, “tại sao ta không bỏ phân cấp và chuyển sang tiêu chuẩn hóa các đơn vị đăng kiểm? Trên một địa bàn có thể tồn tại song song hai đơn vị nhưng chức năng đăng kiểm như nhau chứ không phải bên thấp, bên cao. Ngay cả chuyện đăng kiểm tàu biển thì hiện đã có các đơn vị nước ngoài vào đặt trụ sở và đăng kiểm tàu biển như các đơn vị Việt Nam. Tuy nhiên, họ không có chuyện phân cấp tải trọng, mã lực… lớn nhỏ”.

“Lo bò trắng răng”?

Các quy định phân cấp đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đã được đưa ra cách đây hơn 20 năm, nay quy định này vẫn được duy trì bất di bất dịch dù thực tế của ngành giao thông đường thủy nội địa đã ngày một thay đổi. Dù ngành GTVT cấp tỉnh đã kiến nghị cả chục năm nay nhưng lãnh đạo Cục Đăng kiểm vẫn bảo là phù hợp và quyết “ôm” chứ chưa chịu buông.

Trao đổi về việc phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa hiện hành, một lãnh đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng phân cấp như hiện nay là phù hợp với thực tế chứ không phải bất hợp lý như các địa phương kêu ca. Theo vị lãnh đạo này, hiện còn nhiều tàu thuyền nhỏ lưu hành nhưng đăng kiểm các tỉnh, thành chưa quản hết. Do đó, nếu các tỉnh, thành cùng tham gia đăng kiểm các tàu thuyền lớn thì “sợ các địa phương làm không hết việc”.

Nói về vấn đề này, lãnh đạo các đơn vị đăng kiểm cấp tỉnh, thành đều nói lo ngại ấy là “lo bò trắng răng”. Lẽ ra Cục Đăng kiểm Việt Nam nên phân cấp thêm cho lực lượng đăng kiểm các địa phương cùng tham gia đăng kiểm các tàu thuyền lớn. Nếu kiểm tra và phát hiện lực lượng đăng kiểm các tỉnh, thành không làm tròn trách nhiệm thì Cục Đăng kiểm kiến nghị lên cấp trên để xử lý những địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Thực tế, Cục Đăng kiểm đâu đã cho các địa phương một cơ chế mà lại “sợ” địa phương làm không xong?

10 năm trước, Bộ đã có yêu cầu sửa đổi

Tại Hội nghị chuyên đề quản lý vận tải ngày 14-3-2001 do Thứ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ là ông Phạm Thế Minh chủ trì, sau khi nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Bộ GTVT ra thông báo yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ thực hiện một số việc rút ra được từ hội nghị này. Liên quan đến Cục Đăng kiểm, Bộ yêu cầu đơn vị này phối hợp với Cục Đường sông (nay là Cục Đường thủy nội địa) và Vụ Khoa học Công nghệ quy định tuổi sử dụng cho các phương tiện thủy nội địa; tiêu chuẩn thiết kế, cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy; sửa đổi phân cấp đăng kiểm cho các sở GTVT, GTCC có đủ điều kiện.

(Thông báo số 121/GTVT-VP do Chánh Văn phòng Trần Văn Minh ký ngày 3-4-2001)

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm