Phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa - Bài 1: Cục “ôm” - tỉnh, TP ngồi chơi

Như Pháp Luật TP.HCMđã thông tin, cuối tháng 3, liên sở GTVT của tám tỉnh, thành phía Nam đã gửi văn bản lên Bộ GTVT kiến nghị về việc phân cấp đăng kiểm các phương tiện đường thủy nội địa bất hợp lý. Theo quy định thì việc đăng kiểm tàu, thuyền tải trọng lớn đều do Cục Đăng kiểm Việt Nam “ôm” hết.

Theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy (Trạm Đăng kiểm) thuộc sở GTVT các tỉnh, thành chỉ được phép đăng kiểm cho tàu, thuyền có tải trọng dưới 200 tấn; tàu, thuyền có động cơ công suất dưới 135 mã lực; phương tiện chở khách dưới 50 người và phương tiện chuyên dùng (ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi…) có chiều dài không quá 10 m. Các tàu, thuyền lớn hơn các thông số trên các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp đăng kiểm và quản lý.

Sở GTVT TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương đồng loạt chỉ ra rằng việc phân cấp như trên không phù hợp với năng lực đăng kiểm của các địa phương.

Chỉ còn đăng kiểm... đò ngang

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm Sở GTVT TP, hiện tàu, thuyền đóng mới như phân cấp quá ít. “Có khi cả tuần mới được một hai chiếc đóng mới gọi báo chúng tôi đến kiểm tra. Những chiếc này ít dùng vào mục đích vận chuyển hàng hóa liên tỉnh vì quá nhỏ so với nhu cầu vận chuyển đường thủy hiện nay” - ông Dũng cho biết. Được biết, số phương tiện đóng mới do thành phố kiểm định và quản lý hiện chỉ chiếm khoảng 45% tổng số tàu, thuyền đường sông.

Phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa - Bài 1: Cục “ôm” - tỉnh, TP ngồi chơi ảnh 1

Trạm đăng kiểm thuộc Sở GTVT TP.HCM kiểm tra chất lượng tàu thuyền. Ảnh: VĂN THUẬT

Tương tự, ông Phùng Ngọc Việt, Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm Sở GTVT Quảng Ninh, cũng than: Với phân cấp này, trạm của ông chỉ đăng kiểm được các đò khách ngang sông vì vài chiếc tàu, thuyền đóng mới có tải trọng dưới 200 tấn. Trong khi đó, để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, các tàu, thuyền đóng mới thường có tải trọng từ 500 đến 2.000 tấn. “Với phân cấp đăng kiểm tàu như hiện nay thì lực lượng đăng kiểm của Quảng Ninh chỉ biết ngồi chơi xơi nước vì chẳng có tàu, thuyền mới nào ở cấp đó cho chúng tôi đăng kiểm cả” - ông Việt cho biết.

Tại Hải Phòng, một cán bộ lãnh đạo Trạm Đăng kiểm Sở GTVT cho biết trung bình mỗi tháng cả thành phố chỉ có khoảng 50 chiếc tàu, thuyền dưới 200 tấn và dưới 135 mã lực được đóng mới. Do tàu dưới 200 tấn hạn chế trong chuyên chở hàng hóa nên dần dần người dân không còn đóng nhiều tàu, thuyền với tải trọng và động cơ máy cấp này. Hiện hằng năm toàn thành phố có khoảng chục chiếc đóng mới có tải trọng dưới 200 tấn, công suất máy dưới 135 mã lực.

Bức xúc từ nhiều năm

Trước thực tế đó, hàng loạt địa phương đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT phân cấp lại công tác đăng kiểm và việc kiến nghị này đã diễn ra từ nhiều năm. Cụ thể, tháng 2-2008, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam phân công nhiệm vụ các đơn vị đăng kiểm trực thuộc các sở GTVT giống như nhiệm vụ các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các tàu, thuyền đường sông. Hoặc các đơn vị đăng kiểm của các tỉnh, thành được đăng kiểm cho các phương tiện chở người dưới 50 người; các tàu, thuyền không động cơ có trọng tải toàn phần dưới 500 tấn; có động cơ thì công suất tăng lên 350 mã lực; các phương tiện chuyên dùng (ụ nổi, bến nổi, máy móc thi công nổi…) có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 35 m.

Phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa - Bài 1: Cục “ôm” - tỉnh, TP ngồi chơi ảnh 2

Theo phân cấp hiện nay thì địa phương chỉ được đăng kiểm những tàu, thuyền nhỏ thế này. Ảnh: VĂN THUẬT

Trước đó, năm 2000, giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM lúc bấy giờ là ông Võ Dũng cũng đã ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh phân cấp kiểm tra kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận an toàn cho các tàu, thuyền sông vì các loại phương tiện có công suất, tải trọng mà quy định giao cho cấp sở đăng kiểm, quản lý đã giảm hơn 70% so với trước năm 2000. Tuy nhiên, cả hai kiến nghị trên đến nay chưa nhận được trả lời từ Bộ GTVT.

Giữa tháng 4-2008, liên Sở GTVT của năm tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương và Ninh Bình cùng ký văn bản liên tịch kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại việc phân cấp.

Theo các sở này, sau 19 năm áp dụng các phân cấp trong đăng kiểm tàu, thuyền đường sông, hiện việc phân cấp như thế không còn phù hợp với thực tế. “Nhưng từ khi gửi văn bản đến nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản trả lời nào của Bộ GTVT hay Cục Đăng kiểm Việt Nam” - ông Phùng Ngọc Việt, Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, nói.

Tại cuộc hội thảo về các vấn đề trong quản lý, khai thác giao thông đường thủy nội địa của 11 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long với Sở GTVT TP.HCM, các đơn vị đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam… diễn ra tại Đồng Tháp vào giữa tháng 10-2010, các tỉnh, thành tham dự nhất trí sẽ tiếp tục kiến nghị về việc phân cấp đăng kiểm tàu, thuyền. Và cuối cùng là vào tháng 3, tám tỉnh, thành đã đồng kiến nghị như đã thông tin ở đầu bài.

Chủ tàu như bị phân thân

Tôi có một chiếc sà lan trên 200 tấn và tàu kéo công suất dưới 135 mã lực. Tàu kéo thì do Đăng kiểm TP quản lý nhưng sà lan thì do đơn vị của Cục Đăng kiểm quản lý. Với cách quản lý này, những người chủ phương tiện chúng tôi như muốn phân thân mỗi lần đến hạn đi đăng kiểm. Nói chung là vừa mệt và tốn thời gian!

Ông PHẠM VĂN CHÂU,
thuyền trưởng, chủ tàu kéo và sà lan ngụ tại quận 7, TP.HCM

Xu thế chung về đóng mới tàu, thuyền là càng lúc người ta càng đóng tàu lớn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong ngành giao thông đường thủy nội địa. Nhưng với phân cấp đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa cho các tỉnh, thành như hiện nay, xu thế này không còn phù hợp với thực tế. Vấn đề này Sở GTVT TP đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được bộ trả lời.

Ông TRẦN THẾ KỶ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm