Phải xem chống tham nhũng là ‘trận đánh cuối cùng’

Phiên thảo luận tại Quốc hội (QH) ngày 7-11 vẫn tiếp tục nóng lên vấn đề phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu (ĐB) QH đã được nêu lên cho thấy không khí nghị trường đang trở thành điểm nhấn, đáp ứng mong đợi của nhân dân và cử tri.

Không trị được giặc nội xâm thì…

Tướng Sùng Thìn Cò, ĐB tỉnh Hà Giang, vẫn với phong thái mộc mạc, chân chất vốn có của mình nói rằng: “Chống tham nhũng chúng ta nói nhiều rồi, bản thân tôi cũng thế. Khi chúng ta khai báo tài sản, ít nhất chúng ta phải khai báo ba đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được”.

Theo tướng Cò, nếu có công khai để dân giám sát được thì “người ta mới biết ông Cò có cái gì, con cái ông Cò có cái gì”. “Làm sao họ biết nếu anh không công khai?” - tướng Cò đặt câu hỏi.

Cũng theo tướng Cò, các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội là dịp cần phải công khai tài sản nhiều nhất chứ không nên giấu giếm. Thậm chí tướng Cò còn đề nghị phải thăm dò cán bộ, công chức và nhân dân để “xem ông nào có chứng nhận tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ đi”.

Kể một chuyện xưa của Trung Quốc về một “trung thần” bị hành quyết, tướng Cò nói đây là một câu chuyện vui và đề nghị “các đồng chí cũng đừng trách tôi, đừng thù hằn tôi”. Câu chuyện thuật lại lời trung thần trước khi bị hành quyết đã khẳng định “lòng dân” là tài sản lớn nhất.

Kể chuyện xong, tướng Cò kết luận tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị tác động không nhỏ.

Tiếp cận ở góc độ lịch sử, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: Tham nhũng thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Những ý kiến của các ĐB khác về tham nhũng khiến ĐB Quốc thấy tham nhũng như một virus, một loại bệnh dịch.

Theo ĐB Quốc, người dân đã miễn dịch với tham nhũng vì họ không có quyền lực, trong khi muốn tham nhũng thì phải có quyền lực. Nói tới cuộc chiến chống tham nhũng, ĐB Quốc nói: “Tôi nghĩ đây là trận đánh cuối cùng”.

Tham nhũng vặt len lỏi vào mọi ngõ ngách

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) quan tâm tới việc người dân tham gia vào PCTN thế nào. “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tổng hợp các số liệu cần và đủ như có bao nhiêu vụ tham nhũng do công dân báo cáo, tỉ lệ tố cáo của công dân đúng sai thế nào. Rồi thu hồi tài sản ở lĩnh vực này được bao nhiêu, người tố cáo có được thưởng không và thưởng bao nhiêu. Ngược lại, người tố cáo có bị đe dọa, trù dập, trả thù không, nếu có thì có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào. Vấn đề này tôi thiết nghĩ cần phải đánh giá, bổ sung trong báo cáo để có cơ sở đánh giá đúng mức, đúng tầm vai trò của công dân trong công tác này” - ĐB Xuân nói.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lưu ý tới “tham nhũng vặt” hiện “len lỏi vào tất cả ngõ ngách của cuộc sống và xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức”.

“Ngoài đường, người tham gia giao thông vi phạm được thông cảm, bỏ qua khi thỏa thuận nộp phạt không lấy hóa đơn. Trong nhà trường, việc lạm thu, chạy lớp, đổi phong bì, thậm chí đổi tình để lấy điểm vẫn còn. Ở bệnh viện thì phải lo lót tay nếu muốn có được điều trị cho người nhà tốt hơn. Tại cơ quan nhà nước, thủ tục cũng không ít nhiêu khê, phiền hà. Muốn nhanh, muốn thuận lợi phải có bồi dưỡng” - ĐB Hạ liệt kê.

ĐB Hạ cho rằng muốn chống tham nhũng phải tạo ra được môi trường không cho tham nhũng cơ hội tồn tại, trên nền tảng luật hóa cơ chế công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tiếp tục rà soát, xóa bỏ ngay các loại giấy phép, thủ tục hành chính không cần thiết.

Cùng đó là tạo một môi trường không ai dám tham nhũng với một trong những biện pháp mạnh là “kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những trường hợp cán bộ yếu kém, tham nhũng và sách nhiễu nhân dân”.

Thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục nhấn mạnh không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. “Không loại trừ bất kỳ ai, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Ý thức đạo đức kém

Ý thức đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong thực thi công vụ… Những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, phẩm chất, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN.

Việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản... có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chưa có chuyển biến rõ rệt.

Phó Thủ tướng Thường trực TRƯƠNG HÒA BÌNH

Phải kiên quyết “sửa nhà”, “bắt sâu”

Về tham nhũng, tiêu cực, tôi xin mượn câu nói của nhân dân: “Mía sâu từng đốt, nhà dột từng nơi”. Do nhà cũng dột khá nhiều nơi, sâu cũng khá nhiều nên bây giờ phải kiên quyết sửa nhà dột, phải bắt sâu, phải phòng sâu thì mới có thể làm cho xã hội ngày càng tốt lên được.

ĐB DƯƠNG VĂN THỐNG (Yên Bái)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm