Phải thay đổi cách đào tạo nghề luật sư

Theo quy định, để hành nghề luật sư người tốt nghiệp cử nhân luật phải qua lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức trong vòng sáu tháng. Tiếp đó, các học viên phải qua 18 tháng tập sự hành nghề luật sư tại các tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư, công ty luật) và trải qua một kỳ thi kết thúc tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức.

Phải thay đổi cách đào tạo nghề luật sư ảnh 1

Luật Luật sư cần quy định theo hướng mở rộng quyền cho người tập sự tham gia tranh tụng tại tòa để có cơ hội cọ xát với thực tiễn. Ảnh: HTD

Chưa hiệu quả

Quy định là vậy nhưng hiện nay việc đào tạo hành nghề luật sư không mấy hiệu quả bởi các lý do:

Sẽ tăng thời gian đào tạo?

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, thời gian đào tạo nghề luật sư sẽ tăng từ sáu tháng theo quy định hiện hành lên 12 tháng. Mục đích của việc này là nâng cao chất lượng đào tạo luật sư và phục vụ việc đào tạo liên thông các chức danh tư pháp (hiện thời gian đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên là 12 tháng).

Cạnh đó, dự thảo cho phép người tập sự hành nghề luật sư được thực hiện một số công việc nhưng dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn và được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, người tập sự không được bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự, đại diện cho khách hàng trước tòa và ký văn bản tư vấn pháp luật.

Dự thảo còn quy định một số trường hợp vừa được miễn đào tạo, vừa được miễn tập sự hành nghề luật sư: giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên từ năm năm trở lên; người đã là điều tra viên cao cấp, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát hoặc chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật... Các đối tượng trên (trừ giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật) chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó.

Chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư của Học viện Tư pháp còn nặng về lý thuyết, học thuật mà chưa chú trọng nhiều vào việc phát triển kỹ năng mềm cho các học viên, chưa tạo được môi trường để học viên chủ động nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp. Cũng chính chương trình đào tạo không hấp dẫn đã dẫn đến tình trạng học viên không hứng thú đến lớp.

Cạnh đó, khâu quản lý tập sự hành nghề luật sư của các đoàn luật sư rất lỏng lẻo. Hiện nay, khâu tập sự hành nghề luật sư giao cho các đoàn luật sư quản lý nhưng các đoàn luật sư chưa thể hiện được vai trò trong công tác đào tạo luật sư. Có một thực tế hiện nay là suốt 18 tháng tập sự, hầu như người tập sự không phải có bất cứ một báo cáo nào về việc tập sự cho đoàn luật sư (chỉ phải báo cáo khi kết thúc tập sự). Đoàn luật sư cũng không kiểm tra xem thực tế người tập sự có tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư đã đăng ký hay không...

Ngoài ra, quy định của Luật Luật sư về việc không cho phép người tập sự trực tiếp tham gia các dịch vụ pháp lý như tranh tụng, tư vấn… đã khiến cho người tập sự bị bó buộc, không có cơ hội cọ xát với thực tiễn nghề nghiệp.

Mở rộng quyền cho người tập sự

Để công tác đào tạo nghề luật sư thực sự phát huy hiệu quả, theo tôi không nên tách biệt khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư tại Học viện Tư pháp và thời kỳ tập sự 18 tháng. Nên kết hợp đào tạo nghiệp vụ và tập sự trong cùng một khóa học. Sự kết hợp này sẽ làm tăng hiệu quả đào tạo do kết hợp được hai yếu tố cùng lúc: Giảng dạy lý thuyết, nghiệp vụ và đào tạo kỹ năng hành nghề. Đồng thời, giao cho một đơn vị thực hiện việc đào tạo hành nghề luật sư vì hiện nay đào tạo hành nghề luật sư thể hiện ở hai giai đoạn với hai cơ quan quản lý khác nhau: Học viện Tư pháp phụ trách đào tạo khóa học nghiệp vụ luật sư; các đoàn luật sư tổ chức tập sự hành nghề luật sư.

Trong quá trình đào tạo, các tổ chức đào tạo phải tạo môi trường thực tiễn để học viên tiếp xúc với các vụ việc, tình huống pháp lý xảy ra trên thực tế. Trước mắt, Bộ Tư pháp, các đoàn luật sư cũng cần sớm khảo sát tâm tư, nguyện vọng của những người đã và đang tập sự để đưa ra những chương trình đào tạo hợp lý, bổ ích, sát với thực tế.

Luật Luật sư cần quy định theo hướng mở rộng quyền cho người tập sự; cho phép người tập sự trực tiếp tham gia một số dịch vụ pháp lý để có cơ hội cọ xát với thực tiễn. Đồng thời cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hành nghề luật sư trong việc giám sát hoạt động của người tập sự để tránh trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng.

Cần quy định chặt chẽ chế độ giám sát, kiểm tra, báo cáo quá trình tập sự của người tập sự và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia quản lý, đào tạo, hướng dẫn. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức hành nghề luật sư nhận người vào tập sự hành nghề luật sư nhưng lại không tổ chức theo dõi, hướng dẫn họ tập sự.

Hiện số lượng luật sư ở nước ta còn rất hạn chế tính trên quy mô dân số và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào một thực tế: Rất nhiều luật sư không sống được với chính nghề luật sư; nhiều văn phòng luật sư có rất ít khách hàng. Do đó, công tác đào tạo luật sư cần phải được quan tâm nhiều hơn và cần phải có những đổi mới để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư Việt Nam.

Tiêu điểm

8.000

học viên đã được Học viện Tư pháp đào tạo nghề luật sư từ năm 2001 đến nay (12 khóa luật sư chính thức, bốn khóa luật sư tập sự).

Gỡ rào cản

Luật Luật sư không cho người tập sự hành nghề luật sư tham gia tranh tụng tại tòa là một rào cản lớn, cần phải gỡ bỏ. Tranh tụng tại tòa là một nghệ thuật, phải rèn luyện, nếu không tốt thì luật sư không thể giỏi lên được. Luật sư phải được tranh tụng bình đẳng với VKS từ lúc khai mạc phiên tòa cho tới trước lúc nghị án.

Luật sư LÊ THÚC ANH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Cần được trải nghiệm tập sự

Khi tiếp xúc, tìm hiểu, chia sẻ với nhiều luật sư xuất thân từ những người tiến hành tố tụng, tôi biết phần lớn họ đều không ngại ngần trải qua thời gian đào tạo nghề luật sư và mong muốn “trải nghiệm tập sự” tại các tổ chức hành nghề luật sư. Bởi địa vị pháp lý nào sẽ cho quan niệm ấy…

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phải đào tạo lại

Mỗi vị trí đòi hỏi một kỹ năng khác nhau, do vậy Luật sửa đổi cần quy định theo hướng nếu được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư thì phải qua đào tạo để trang bị kỹ năng hoặc ngược lại.

Luật sư NGUYỄN HUY THIỆP, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư TRẦN ĐỨC HÙNG,Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm