Phải minh bạch ‘vùng cấm’ thông tin

Mới đây (ngày 15 và 16-12), Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức cuộc hội thảo về phạm vi thông tin được tiếp cận và hạn chế tiếp cận trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Luật này dự kiến quy định về việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân; trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT; hình thức, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo đảm quyền này.

Lạm dụng “mật” hạn chế tiếp cận

Tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh đến ba nguyên tắc quan trọng khi xây dựng luật này: Thứ nhất, cần cung cấp tối đa thông tin cho người dân. Thứ hai, nếu có hạn chế thì phải hạn chế bằng luật như Hiến pháp đã quy định; “vùng cấm” phải cụ thể, minh bạch, công khai. Thứ ba, trách nhiệm của Nhà nước phải cung cấp thông tin cần được thể chế hóa rõ ràng.

Một trong những thảo luận trọng tâm của đại biểu là mối tương quan giữa dự luật này và dự luật bí mật nhà nước đang được Bộ Công an soạn thảo, bởi đây chính là một trong những “vùng cấm” của quyền TCTT. Đại diện đến từ Bộ Công an cũng thừa nhận thực tế việc TCTT bí mật nhà nước vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, danh mục bí mật nhà nước của một số bộ, ngành còn chưa cụ thể và không được công bố công khai, không đăng công báo nên công dân không biết tin, tài liệu nào thuộc danh mục bí mật và tin, tài liệu nào không thuộc dạng bí mật để tiếp cận. Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn chưa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục để “giải mật” bí mật nhà nước dẫn đến việc có văn bản khi bị tiết lộ không còn gây nguy hại cho lợi ích nhà nước nhưng chưa được giải mật.

Việc quy định “vùng cấm” thông tin cần phải cụ thể, công khai, minh bạch. Ảnh: HTD

Cạnh đó, “chế tài áp dụng trong trường hợp lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc lạm dụng bí mật nhà nước để hạn chế quyền TCTT chính đáng của người dân” - đại diện đến từ Bộ Công an cho hay.

Nêu mục đích sử dụng mới cung cấp thông tin?

Dự thảo luật dành một điều quy định về những trường hợp cơ quan được quyền từ chối cung cấp thông tin. Trong đó có các trường hợp đáng chú ý như: Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin không nêu lý do yêu cầu hoặc lý do yêu cầu cung cấp thông tin không phù hợp; thông tin được yêu cầu với số lượng quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ; các tài liệu đang trong quá trình soạn thảo mà chưa đến thời điểm pháp luật quy định phải công bố để lấy ý kiến… Đây là quy định được một số đại biểu cho rằng chưa phù hợp, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm.

Đại diện Viên Nghiên cứu Kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) - đơn vị được mời đến tham vấn cho rằng mục đích sử dụng thông tin của người dân hoặc tổ chức không thể là một điều kiện để cung cấp thông tin. Người dân có quyền tự do tiếp cận, sử dụng thông tin (không phải là mật) mà không cần phải khai báo. Giải thích thêm cho ý kiến này, vị đại diện iSEE nói: “Nếu dự luật yêu cầu người dân phải có mục đích sử dụng thông tin hợp lý mới cung cấp thì dễ dẫn đến tùy tiện của công chức, vi phạm quyền của người dân”.

Không chỉ cơ quan hành pháp mới bảo đảm quyền TCTT

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo không nên chỉ giới hạn trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong việc bảo đảm quyền TCTT, thay vào đó là trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước. Những người ủng hộ quan điểm này dẫn chứng Quốc hội (cơ quan dân cử) cần phải là cơ quan cởi mở nhất trong việc cung cấp thông tin lại chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, đây là điều không phù hợp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm