Lãng phí chống ngập - Bài cuối

Phải giải sai lầm trong chống ngập

Những trận mưa lớn kéo dài trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhiều. Nếu không có những giải pháp chống ngập phù hợp, tình trạng ngập úng sẽ còn phức tạp hơn.

Mất chỗ chứa nước

Theo Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, mưa ở TP.HCM đang tăng cả tần suất và vũ lượng.

Cạnh đó, đơn vị này cũng cho hay việc đô thị phát triển nhanh, hệ thống thoát nước quá tải đã không đáp ứng được nhu cầu thoát nước, gây ra tình trạng ngập úng nhiều nơi.

Ngoài ra, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cũng thông tin một số tuyến đường chính được nâng cao đúng cao trình theo quy hoạch
(+2 m) nhưng đa số nhà dân không có đủ điều kiện nâng nền nhà cho đồng bộ dẫn đến nền nhà thấp hơn đường. Trong khi đó, hệ thống thu gom nước chảy tràn lại không xây dựng khiến nước đổ dồn vào nhà dân khi có mưa lớn. Hoặc một số đường hẻm dọc hai bên chưa được nâng cấp đồng bộ, không đấu nối được hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ.

“Công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo nên một số dự án san lấp rạch để xây dựng công trình nhưng không xây hồ bù lại diện tích san lấp, làm các khu vực trữ nước tự nhiên bị thu hẹp. Mặt khác, tình trạng bê tông hóa hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ngày càng cao, dẫn đến khả năng điều tiết nước giảm, diện tích thẩm thấu nước tự nhiên bị hạn chế” - Trung tâm Chống ngập TP.HCM nhận định.

Mưa ngập gây ra nhiều hệ lụy, dẫn đến các thiệt hại không thể thống kê được hết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kiểm soát thoát nước mưa

Kỹ sư Lê Thành Công, người có nhiều kinh nghiệm về chống ngập, cho rằng sai lầm trong chống ngập trong thời gian qua là không tạo được những không gian trữ nước. Do đó, nước mưa có bao nhiêu thì dồn hết ra đường, khi cống không thoát được thì gây ngập. “Mặt khác, do TP.HCM chỉ thiết kế một cống chung cho thoát nước mưa và nước thải nên nước dồn về cống rất lớn. Nước mưa trộn chung với nước thải nên lúc nào cũng đen ngòm, hôi thối” - ông Công bày tỏ.

Kỹ sư Công cho rằng lượng nước máy sinh hoạt cho người dân TP.HCM hiện nay đã khoảng 2 triệu m3/ngày. Cộng với lượng nước ngầm nhiều người khai thác, sử dụng thì lượng nước thải ra mỗi ngày rất lớn, góp phần gây gia tăng ngập úng.

“TP.HCM nói cống thoát nước quá tải do mưa tăng nhưng lại thiết kế cống chung cho nước mưa và nước thải là không hợp lý. Tôi đã từng tham gia tư vấn thiết kế cho TP Buôn Ma Thuột xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng. Tỉnh Bình Dương cũng làm như thế. Chi phí lúc xây hai hệ thống thoát nước riêng sẽ cao hơn nhưng sau đó chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng sẽ rẻ hơn nhiều. Còn làm một cống chung vừa gây ngập, gây ô nhiễm, tiền nạo vét, sửa chữa cao thì tính ra hiệu quả không bằng làm hai hệ thống cống riêng” - ông Công phân tích.

Một chuyên gia từng tham gia thực hiện nhiều dự án chống ngập đề nghị không nêu tên cho rằng việc cần làm ngay trước mắt là phải kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hệ thống cống thoát nước. “Cứ nói mưa lớn, cống có tiết diện nhỏ nên không thoát kịp là lý thuyết. Thực tế mưa ở TP.HCM không đều, chỗ này nhiều, chỗ kia ít. Tôi thấy có rất nhiều miệng thu nước bị lấp bít nước không chảy vào cống được nên gây ngập chứ chưa hẳn do cống quá tải. Mỗi năm TP.HCM bỏ ra hàng trăm tỉ đồng nạo vét cống nhưng nếu không kiểm soát được, cống thoát nước vẫn bị tắc nghẽn bởi rác, bùn đất thì vừa lãng phí vừa gây ngập úng” - ông nói.

Phải có “nhạc trưởng” chống ngập

TS Tô Vân Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cũng cho rằng nếu không có “nhạc trưởng” đủ tầm, không chọn được những giải pháp hợp lý thì tình trạng ngập ở TP.HCM sẽ ngày càng phức tạp hơn. Theo TS Trường, trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM nên tập trung đầu tư cải thiện cống thoát nước, chỗ nào khó khăn thì kết hợp bơm là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất. “Ví dụ vùng địa hình trũng thấp khu vực đường Kinh Dương Vương phải có cửa van ngăn triều và bơm tiêu hỗ trợ tại nơi xả ra kênh rạch. Nếu hoàn thành đồng bộ các công trình kiểm soát ngập này thì không nhất thiết phải nâng đường Kinh Dương Vương lên cao như thế” - TS Trường nói.

Về giải pháp căn cơ, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể về hệ thống thoát nước (Quy hoạch 752), trong đó có cập nhật một số thông số kỹ thuật cho phù hợp với tình trạng mưa tăng. Một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết thêm sở này cũng được Thành ủy, UBND TP giao rà soát lại quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP.HCM (Quy hoạch 1547). Nếu có những vấn đề không phù hợp, gây vướng mắc trong chống ngập thì báo cáo để TP.HCM đề xuất Thủ tướng điều chỉnh cho phù hợp.

Mưa lớn ngày càng nhiều

Trước đây trong vòng 40 năm (1962-2001) trên TP.HCM chỉ xuất hiện chín trận mưa kéo dài trong ba tiếng, đạt vũ lượng trên 100 mm (trung bình bốn năm mới xuất hiện một lần).

Thế nhưng từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 29 trận mưa có vũ lượng hơn 100 mm (bình quân một năm xuất hiện ba lần). Đặc biệt, trong hai năm 2013-2014 có ba trận mưa, chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100-122 mm. Năm 2016 có một trận mưa trong vòng 90 phút vũ lượng đã đạt tới 202 mm.

Rà soát quy hoạch, chấn chỉnh quản lý

Trước tình trạng ngập úng gây nhiều bức xúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu bốn vị phó chủ tịch phải tăng cường đi thực tế để có những chỉ đạo sát sao hơn trong điều hành chống ngập. Trong chuyến đi thị sát khu vực phía nam TP, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến lưu ý các sở, ngành, đơn vị liên quan phải siết chặt công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước tự nhiên. Ông nói: “Chúng ta bỏ tiền ra thực hiện nhiều công trình chống ngập nhưng hệ thống kênh rạch - thoát nước có sẵn lại không quản lý được, cứ để xảy ra lấn chiếm rồi lại phải bỏ tiền ra khôi khục. Chống ngập kiểu này rất mất sức”.

Sau chuyến khảo sát tình trạng lấn chiếm hướng thoát nước ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và một số khu vực ở địa bàn Gò Vấp, quận 12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận nguyên nhân gây ngập có phần do công tác quản lý yếu kém. Chủ tịch UBND TP đánh giá: “Thời gian qua dù Thành ủy, UBND TP đã nỗ lực rất lớn, tập trung nhiều nguồn lực, kinh phí đầu tư chống ngập nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Qua kiểm tra thực tế, nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh rạch, miệng thu nước; tình trạng xả ra kênh rạch còn phổ biến… Nguyên nhân là do ý thức của một số hộ dân chưa tốt, công tác quản lý của địa phương còn lỏng lẻo”.

Lãnh đạo UBND TP khẳng định chính việc quản lý yếu kém để người dân lấn chiếm kênh rạch nên công tác chống ngập gặp khó khăn. Vì vậy, ở các địa phương nào tiếp tục để người dân lấn chiếm kênh rạch, cống xả thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm hoặc là bị kỷ luật.

______________________________________

3,2 tỉ đồng là số tiền mà UBND TP.HCM vừa yêu cầu Thanh tra TP thu hồi từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM để nộp cho ngân sách. Đây là khoản tiền chi sai trong quá trình thực hiện các dự án chống ngập.

UBND TP còn yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Chống ngập TP tổ chức kiểm điểm các cơ quan, tổ chức liên quan về sai phạm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm