Phải đảm bảo quyền cử tri cho người đang tạm giam

Phải đảm bảo quyền lợi cho cử tri, nhất là các đối tượng được đi bầu theo quy định mới như người trong trại tạm giam, người Việt Nam ở nước ngoài về. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đã lưu ý như vậy tại buổi làm việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia với Hà Nội về kết quả triển khai công tác bầu cử sáng 15-3.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần tập trung tuyên truyền cũng như theo dõi, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo an ninh, trật tự cho công tác bầu cử. “Việc ứng cử, đề cử, mở rộng dân chủ nhưng phải đảm bảo chất lượng đại biểu (ĐB). Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng Bầu cử của TP xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ cởi mở, theo hướng chất lượng ĐB tốt, đại diện cho nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc số lượng người tự ứng cử ĐBQH của Hà Nội tăng nhiều so với kỳ trước, một thành viên trong đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia dẫn đánh giá của Tiểu ban An ninh (Hội đồng Bầu cử Quốc gia) cho hay kỳ bầu cử này phức tạp hơn kỳ bầu cử năm 2011. Vị này cho hay theo thông tin của Tiểu ban An ninh đứng sau một số người tự ứng cử có một số tổ chức phản động trong nước và ở nước ngoài hỗ trợ cho những trường hợp này để tổ chức vận động, thậm chí cung cấp tài chính để tranh thủ phiếu cử tri. Vị này cũng cho biết hiện trên mạng Internet, trang thông tin cá nhân đã xuất hiện những thông tin tuyên truyền, vận động bỏ phiếu cho một số trường hợp tự ứng cử…

Liên quan đến nội dung này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong (kiêm Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội) cho hay: “Hà Nội đã dự kiến trước sự gia tăng số người tự ứng cử. Ngoài một số trường hợp tự ứng cử với “mục đích khác”, hồ sơ tự ứng cử tăng là điều đáng mừng vì nó thể hiện tinh thần dân chủ được đề cao thời gian gần đây và một số người mong muốn đóng góp cho xã hội, đất nước”.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, đơn vị này đã nhận được 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, 47 người tự ứng cử. Cùng đó đã có 205 hồ sơ ứng cử ĐB HĐND TP, trong đó có 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử, chín người tự ứng cử.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Bầu cử TP.HCM đã họp nghe báo cáo tiến độ công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết số hồ sơ ứng cử ĐBQH của TP.HCM là 90, trong đó có 42 hồ sơ ứng cử do các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 48 hồ sơ tự ứng cử. Trong tổng số 90 hồ sơ ứng cử, có 30 nữ (chiếm 33,3%), ứng viên trẻ 23 người (chiếm 25,6%). Đặc biệt, có 45 người ngoài Đảng (chiếm 50%).

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.HCM, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM rà soát danh sách ứng viên để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Bà Tâm cũng đề nghị ủy ban bầu cử các cấp tổ chức cho những người ứng cử tiếp xúc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (riêng đối với người tự ứng cử sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác và cử tri nơi cư trú) một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan.

Theo bà Tâm, khi công bố danh sách người ứng cử có thể sẽ có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, bà Tâm đề nghị ủy ban bầu cử ở các địa phương chú ý phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo để trả lời cho cử tri.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm