Phải có chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

"Làm Luật Điện ảnh khó như tuyển con dâu"

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) là một vấn đề rất khó.

“Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, sau đó sẽ họp lại ban soạn thảo. Đây là vấn đề mà chúng tôi ý thức được là khó. Có lần tôi đã nói vui một chút, giống như tuyển con dâu “thì phải vừa đẹp như hoa hậu, cơ bắp thì phải như lực sĩ”, vấn đề rất khó nhưng Bộ sẽ cố gắng tiếp thu”- Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề xuất phương án 3. Cụ thể là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội ba phương án.

Thảo luận tại phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng là phải tự phân loại, chịu trách nhiệm về bộ phim đó. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đến vấn đề nhạy cảm liên quan đến trẻ em, tôn giáo, dân tộc...

Về Điều 9 quy định về tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp điện ảnh là vấn đề mới, cần đánh giá rõ hơn về tác động và sự cần thiết của quy định này. Bởi đây là vấn đề có liên quan đến hội nghề nghiệp, liên quan an ninh, trật tự của đất nước.

Liên quan Điều 11 về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề cập tình trạng hiện nay một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn như hành vi phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ; một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Những điều này làm cho người xem nhận thức sai, có thể bắt chước, làm theo.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên theo ông Mẫn, trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.

Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích rõ các ưu, nhược điểm của tiền kiểm, hậu kiểm, trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉ nên trình một phương án.

Quản lý, phổ biến phim trên mạng

Thảo luận thêm về dự án luật, nhận định điện ảnh không chỉ là loại hình nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng điện ảnh liên quan đến rất nhiều ngành văn hóa tổng hợp khác, nhất là ngành du lịch.

“Phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp. Đã là ngành công nghiệp rồi thì phải phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế. Chúng ta phải có chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ . Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng điện ảnh cần được tiếp cận ở cả nền tảng truyền thống, vừa ở nền tảng số. Trên cơ sở đó, vấn đề mấu chốt cần xem xét để sửa đổi Luật Điện ảnh là điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số. Điều này nhằm khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu và cho rằng cần quy định cụ thể trường hợp nào cần phải đấu thầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho rằng bên cạnh việc giao nhiệm vụ và đặt hàng, việc thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.

Về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lại cho rằng cần kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm, trong đó về cơ bản là hậu kiểm nhưng một số trường hợp phải tiền kiểm.

2021, thoáng trong quản lý biểu diễn nghệ thuật
2021, thoáng trong quản lý biểu diễn nghệ thuật
(PLO)- Năm 2021 đánh dấu một nghị định mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được ban hành. Cùng đó, một dự thảo luật điện ảnh với nhiều điểm mới sẽ được ban hành. Cả hai đang được kỳ vọng sẽ giúp lĩnh vực biểu diễn và điện ảnh khởi sắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm