Ông Võ Văn Thưởng: Nhiều nhà hát thành nhà hàng, quán cà phê

"Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà nghĩa tình là cốt lõi của người phương Nam, của con người tứ xứ hội tụ, của con người thấy bất bình chẳng tha, của con người hào hiệp giúp đỡ lẫn nhau. Nên văn minh, nghĩa tình rất quan trọng trong nhận thức”.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu sáng 20-4, tại hội nghị  kiểm tra đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn TP.HCM. 

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Phát biểu tại hội nghị, ông đánh giá cao những việc TP.HCM đã làm được, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đầu tư đáng kể cho văn hóa, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, giao lưu quốc tế về văn hóa có bài bản và phong phú...

Nhưng so với yêu cầu cao của việc phát triển văn hóa con người, so với vị trí rất quan trọng và tiềm lực cũng như so với kỳ vọng của cả nước với TP.HCM thì còn nhiều vấn đề phải nỗ lực hơn vì hiện nay đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng.

Theo ông, từ năm 1975 tới nay, TP.HCM đã xây dựng được nhà hát Hòa Bình, nhà hát Mạc Đĩnh Chi, nhưng đã biến bao nhiêu nhà hát thành trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, nơi tổ chức đám cưới. “Tính ra thì cái xây ít hơn cái đã bỏ đi” – ông nói.
Ông cũng liệt kê ra rất nhiều địa chỉ văn hóa để cho thấy nó chưa tương xứng, như hệ thống bảo tàng và thư viện chưa đáp ứng và chưa có thiết chế nào xứng tầm và là niềm tự hào của người dân như một số thành phố phát triển.
“Tác phẩm văn học nghệ thuật chưa phản ảnh được nhịp sống thời cuộc, tức chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm” – ông nói và lưu ý TP.HCM cần tìm ra nguyên nhân để đưa văn hóa phát triển xứng tầm.
Theo ông Thưởng, trong mọi giai đoạn Đảng luôn đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa và con người, phát triển văn hóa có vị trí quan trọng ngang với kinh tế - chính trị.
Ông cũng cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn đòi hỏi cả việc xây và chống, trong đó xây là cơ bản, còn chống phải quyết liệt. “TP.HCM cần nỗ lực hơn nữa để đạt được những kết quả tốt hơn, tương xứng với tiềm lực của TP và yêu cầu phát triển bền vững. TP phải là nơi đóng góp để hoàn thiện đường lối của Đảng, kinh nghiệm về thực hiện các mô hình hay nhân rộng cho cả nước” – ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là bộ mặt của cả nước, TP.HCM chịu nhiều áp lực là “vùng trũng” với nhiều vấn đề phải giải quyết như ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, tệ nạn xã hội… nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 chưa đạt kết quả như mong muốn.

 Ông Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Quang cho biết, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn được TP.HCM quan tâm. Trong thời gian tới, cùng với nỗ lực của TP trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp, TP cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm sâu sát hơn nữa, hỗ trợ trong quá trình triển khai các chương trình, nhiệm vụ.

Nhiều yếu tố tiêu cực tác động
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân được nâng lên; truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động sáng tạo tiếp tục được bồi đắp, phát huy. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đạt những kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2016-2019, TP.HCM đã bố trí vốn cho 76 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa với tổng vốn đầu tư trên 9.285 tỉ đồng, thiết chế văn hóa dành cho nghệ thuật chuyên nghiệp có bước phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế yếu kém, đó là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa toàn diện.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có một số lãnh đạo TP đã tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của thị trường dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh thâm nhập làm xói mòn, phai nhạt giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc…
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của một số cấp ủy về Nghị quyết 33 chưa đầy đủ, sâu sắc; quản lý Nhà nước về văn hóa một số nơi còn thiếu chủ động.
Một số đảng viên chưa thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo; công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức...
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm