Ông Phạm Thế Duyệt: Tâng bốc một chiều đâm ra hư hỏng

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xoay quanh vấn đề kỷ luật đảng trong công tác bổ nhiệm cũng như xử lý cán bộ (cả cán bộ cấp cao) vi phạm pháp luật.

Đừng bổ nhiệm theo kiểu “đi tắt đón đầu”

. Phóng viên: Thời gian gần đây, người dân rất bức xúc chuyện “con quan thì lại làm quan - kiểu con quan to thì lại làm quan to, con quan nhỏ thì làm quan nhỏ”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

+ Ông Phạm Thế Duyệt: Con của ai cũng là công dân nhà nước cả.

Đối với tôi, bao giờ cũng quan tâm đến chính sách đào tạo cán bộ. Quá trình đào tạo phải vừa có lý luận vừa có thực tiễn. Nếu chỉ coi trọng lý luận mà không coi trọng thực tiễn thì cũng không có kết quả. Nếu chỉ có thực tiễn mà không có lý luận thì cũng không được.

Con ai mà đạt được những tiêu chuẩn đó thì đều làm việc được cả, chứ đừng làm theo kiểu đi tắt đón đầu, chỉ có cái nọ mà không có cái kia.

Đối với con em cán bộ lãnh đạo thì đầu tiên cá nhân những người lãnh đạo phải tự giác giáo dục cho con cháu mình có quá trình phấn đấu rèn luyện. Từ đó các cháu tự thân phấn đấu lên chứ không phải nhờ cái bóng của ông bố đưa nó hết chỗ này đến chỗ kia, như thế chắc chắn nó hỏng, mình sai. Mà nó hỏng là tại mình, không nên như thế.

Còn nếu các cháu tự giác phấn đấu trưởng thành, lại là con em cán bộ có truyền thống thì tốt chứ, sao lại phân biệt. Vấn đề ở đây là nhiều cán bộ trẻ chưa có cái gì mà cứ tâng các cháu lên là làm khổ cho nó. Làm thế thì có lỗi với dân.

. Một số vụ vừa rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rất quyết liệt nhưng dư luận vẫn cho rằng cần có một cuộc tổng rà soát chuyện bổ nhiệm con của các lãnh đạo?

+ Tổng rà soát việc bổ nhiệm cán bộ đã đúng tiêu chuẩn hay chưa là việc cần thiết, nhất là những cán bộ trẻ để phát hiện được những cái sai mà chấn chỉnh kịp thời.

Các cấp ủy nên tự giác, những người lãnh đạo nên tự giác xem xét lại việc bổ nhiệm cán bộ đã đúng chưa, nếu có trường hợp không đúng, không đạt thì đừng ép, đừng tâng lên để rồi làm khổ chính cán bộ trẻ đó và làm khổ dân. Bởi những người lãnh đạo như thế không mang lại được cái gì cho dân đâu.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, đang trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: Thanh Tuyền

Phải làm cho dân “mở miệng”

. Gần đây nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao, thậm chí rất cao bị kỷ luật rất nặng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng dư luận vẫn đặt ra câu hỏi là vì sao lại để âm ỉ suốt thời gian dài rồi mới phát hiện, xử lý?

+ Do chưa làm theo lời Bác Hồ thôi. Bác bảo phải luôn luôn tự phê bình và phê bình, nhiều nơi chưa làm tới nơi tới chốn điều này. Bây giờ ta mạnh dạn làm thì phát hiện ra sai phạm ở vụ việc này đến vụ việc kia. Rõ ràng nếu những người lãnh đạo có trách nhiệm, luôn luôn kiểm tra giám sát, ở cấp lãnh đạo luôn luôn tự phê bình, luôn đặt ra xem ông này ông kia, ông A ông B làm có xứng đáng không thì sẽ tự ra hết.

Đã không làm theo lời Bác, không tự phê bình, không phê bình, không đấu tranh trong nội bộ, không rèn luyện, lại cứ tâng bốc nhau một chiều đâm ra hư hỏng, đến lúc sờ đến nhiều sai phạm quá là thế.

. Đảng ta nói trong chống tham nhũng không có vùng cấm. Liệu cách làm như vừa qua đã là không có vùng cấm chưa, thưa ông?

+ Tôi cho rằng trong chống tham nhũng không có vùng cấm là đúng. Theo tôi, biết đâu hãy làm đấy, làm đâu chắc thì hãy làm, làm đâu được đấy thì dân tin. Ngược lại, làm không cẩn thận và làm sai thì vừa không đúng chính sách của Đảng, vừa làm mất lòng tin của dân. Cái đó cốt ở cách làm.

. Theo ông, thời gian tới đây cần phải làm gì nữa trong vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng?

+ Cần phát huy tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII và đánh giá phương pháp, cách kiểm tra, xử lý từ các vụ việc vừa rồi.

Trên hết phải làm cho dân “mở miệng”. Một khi làm cho dân “mở miệng” như Bác Hồ đã nói thì ra hết.

. Xin cám ơn ông.

Đào tạo cán bộ khác xa so với một người thợ

Đào tạo một người thợ, thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, thợ thép thì không nhất thiết phải mất nhiều thời gian mới trở thành thợ giỏi. Nếu có trình độ, học vài ba năm vẫn có thể trở thành thợ giỏi, không kém gì ông 7-8 năm, 10 năm. Nhưng học để làm người lãnh đạo thì không dễ tí nào cả.

Đào tạo người lãnh đạo là đào tạo người giúp cho Đảng và Nhà nước. Người đó phải gương mẫu với dân trong tất cả mọi việc, hiểu biết tận gốc tận ngọn, biết học dân chứ không phải người lãnh đạo chỉ nghĩ học ở sách vở, ở trường nọ trường kia.

Cho nên cái mà nhân dân phân tâm thời gian qua không chỉ vì con lãnh đạo này, lãnh đạo kia đâu, mà nhân dân nhìn từ thực tế thấy một số người chưa có quá trình gì, chưa có thử thách gì và chưa vật lộn với phong trào, chưa hiểu thực tiễn đã đóng vai lãnh đạo. Điều đó làm cho người ta ngán.

Ông PHẠM THẾ DUYỆT, nguyên Ủy viên Thường trực
Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm