Ống dẫn nước hồ Dầu Tiếng về TP.HCM: Cần 10.000 tỉ

Sáng 12-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cùng đoàn cán bộ TP đã đi thị sát hồ Dầu Tiếng, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM và làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh).

Dẫn bằng kênh hở khó an toàn

Trước khi làm việc, ông Đinh La Thăng và đoàn công tác đã đi canô cao tốc một vòng kiểm tra mặt hồ Dầu Tiếng. Thảo luận ngay trên canô, ông Đinh La Thăng và ông Tất Thành Cang đều cho rằng nguồn nước sinh hoạt từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM hiện chưa thật sự an toàn khi dẫn thông qua hệ thống kênh hở và dẫn chung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Bí thư Thăng cho rằng đó là nguy cơ làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM, đồng thời sẽ gây lãng phí nguồn nước vì hồ Dầu Tiếng sẽ phải luôn xả nước, kể cả khi hoạt động nông nghiệp chưa cần đến nước từ hồ.

Tại buổi làm việc sau đó, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, cũng đề nghị UBND TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư lấy nước bằng đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ (hiện nay TP.HCM lấy nước bằng hệ thống kênh chính Đông - PV) phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp nhằm đảm bảo tính bền vững nguồn cấp nước, chất lượng nước.

Trước đề nghị này, ông Thăng yêu cầu UBND TP.HCM khởi động lại ngay dự án đầu tư đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về nhà máy xử lý nước ở TP.HCM bằng cách kêu gọi xã hội hóa đầu tư. “Không thể dùng nước chung như hiện nay được. Kênh hở vừa tưới tiêu, vừa dùng cho công nghiệp, vừa dùng nước sạch là không thể chấp nhận được. Như thời kỳ trước khó khăn còn chấp nhận được chứ bây giờ không thể để vậy” - ông Thăng nói.

Ông Thăng quay lại hỏi ông Hồ Văn Lâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), làm đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM hết bao nhiêu tiền. Ông Lâm cho biết vốn đầu tư đường ống khoảng 10.000 tỉ đồng.

Bí thư Thăng cho rằng đây là con số rất lớn, yêu cầu Sawaco phải làm phương án kêu gọi xây dựng đầu tư ngay trong quý II-2017. Trong đó cách tốt nhất là phải xã hội hóa, Sawaco là một nhà đầu tư cùng các nhà đầu tư khác thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đang trao đổi khi đi khảo sát hồ Dầu Tiếng bằng canô. Ảnh: TÁ LÂM

Quản lý chặt về môi trường

Theo ông Dũng, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng hiện nay rất tốt nhưng do quá trình công nghiệp hóa trong tương lai sẽ không được đảm bảo bền vững nếu như không có sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương trong lưu vực hồ.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết thêm hồ Dầu Tiếng còn có nhiều công dụng khác như khai thác cát xây dựng, có thể thành lập khu du lịch nghỉ dưỡng rất tốt. Nếu TP.HCM hỗ trợ thả cá thì người dân ở khu vực này sẽ có nguồn thu rất khá.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng hoan nghênh tỉnh Tây Ninh và công ty đã phát huy được tầm quan trọng của hồ Dầu Tiếng, giữ vững an ninh cấp nước, chống ngập cho vùng hạ du.

Cho rằng đây là công trình quan trọng quốc gia, ông Đinh La Thăng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng công ty điều chỉnh lại quy chế vận hành hồ Dầu Tiếng, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế, quốc phòng vùng để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Trong đó, công ty cần lưu ý phải quản lý chặt chẽ về môi trường nước của hồ Dầu Tiếng, vì đây là điều rất quan trọng khi các tỉnh và TP.HCM đều dùng nước từ hồ. Cùng đó cần kiểm tra, rà soát người dân đang sinh sống và các doanh nghiệp xung quanh hồ để đảm bảo môi trường vì ông Thăng lo ngại tình trạng vứt rác xuống lòng hồ bừa bãi. Song song đó, ông đề nghị nghiêm cấm việc nuôi cá bè trên lòng hồ vì gây mất vệ sinh.

Bí thư Thăng cho rằng việc vận hành lòng hồ cần quan tâm đặc biệt đến công tác dự báo vì nếu dự báo sai dễ gây ngập cho vùng hạ du. Do vậy cần đầu tư các trạm quan trắc hiện đại, nhân sự chuyên nghiệp, thực hiện dự báo theo mùa, theo cả năm gắn với dự báo biến đổi khí hậu.

Bí thư Thăng cũng đề nghị khai thác cát thận trọng, đúng quy hoạch. Ông Đinh La Thăng cũng ủng hộ chủ trương khai thác du lịch tại hồ Dầu Tiếng nhưng cần quan tâm tới môi trường.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ phòng chống thiên tai, cứu nạn hằng năm cho hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Báo cáo với Bí thư Thăng, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay, được xây dựng từ năm 1981 và đưa vào sử dụng từ năm 1985. Hồ chứa có dung tích thiết kế 1,58 tỉ m3 nước, diện tích mặt nước hồ là 270 km2, được thiết kế đa mục tiêu như cấp nước tưới trực tiếp cho 108.000 ha thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.HCM (trong đó TP.HCM khoảng 12.000 ha); cấp 43,9 m3/giây nước thô cho các ngành công nghiệp và dân sinh, trong đó cấp cho TP.HCM 14 m3/giây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm