Oan sai chủ yếu do chăm chăm buộc tội

Chín vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại phiên làm việc chiều 13-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, ba vấn đề là nguyên tắc suy đoán vô tội, dùng biện pháp điều tra đặc biệt và bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung đã được tranh luận nhiều nhất.

Chú ý các tình tiết gỡ tội

Cho ý kiến về việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình tố tụng, đặc biệt là trong quá trình điều tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét dự thảo luật “vẫn chưa toát lên được thế nào là xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội”.

Theo ông Lý, bản thân suy đoán vô tội là tất cả người tố tụng, đặc biệt là điều tra viên phải xuất phát từ suy nghĩ ban đầu rằng nghi phạm chưa có tội, không có tội, sau đó mới tính đến các chuyện khác. Để đảm bảo nguyên tắc này, trước hết cần quy định ngay từ khi điều tra là phải chú ý đến những tình tiết ngoại phạm, gỡ tội của nghi phạm. Tránh hoặc hạn chế việc ngay từ đầu đã có ấn tượng, đã xác định nghi phạm là thủ phạm rồi cố tình thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để kết luận người đó phạm tội. “Trong thực tiễn tố tụng, những trường hợp nào mà không tuân theo nguyên tắc này thì thường vi phạm, thường dẫn đến oan sai. Điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Vì vậy, tôi đề nghị quá trình điều tra phải quan tâm đến bằng chứng chứng minh người ta vô tội và đặc biệt chú ý không được củng cố hồ sơ theo định hướng có sẵn” - ông Lý nói.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba đồng tình: “Ý kiến anh Lý nêu là đúng để tránh việc không chú ý đến tình tiết gỡ tội cho bị can, bị cáo mà chỉ chú ý đến việc buộc tội”.

Ông Nguyễn Hòa Bình (Viện trưởng VKSND Tối cao) đang trình bày về các biện pháp điều tra đặc biệt trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Ảnh: T.PHÚ

Theo bà Thu Ba, không chỉ áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội khi tình nghi, điều tra, truy tố mà cần phải coi nghi phạm không có tội trước khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. “Thực tiễn có nhiều trường hợp lỡ bắt rồi nên vẫn cố chứng minh để xử một tội cho tương xứng. Như vậy là vi phạm quyền con người. Hiện nay có việc khi không chứng minh được họ phạm tội, cơ quan tố tụng thường áp dụng Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự với lý do do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, trong khi thực tế là họ không có tội” - bà Thu Ba khẳng định.

Thận trọng với biện pháp điều tra đặc biệt

Trình bày về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay: “Hiện các nước đang áp dụng tới 11 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khác nhau. Chúng tôi chọn ra năm biện pháp, song Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị bỏ hai nên chỉ còn ba”.

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này đã dành nguyên Chương XV với sáu điều luật (từ Điều 219 đến Điều 224) để quy định về ba biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đó là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Ba trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt gồm: Thứ nhất là tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền. Thứ hai là tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thứ ba là khi có đề nghị tố giác tội phạm.

Ông Bình đề nghị nên cân nhắc thêm các biện pháp mà cơ quan soạn thảo dự luật từng đề xuất như biện pháp sử dụng cơ sở bí mật của công an. “Đây là biện pháp vẫn thường được áp dụng. Phải bằng các biện pháp bí mật, bằng chuyên án trinh sát thì mới phát hiện được tội phạm như ma túy” - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng không nên quy định thời điểm áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt từ khi khởi tố mà nên áp dụng ngay từ khi xác minh tin báo tội phạm. “Không nước nào áp dụng kiểu như vậy cả. Ví dụ, một trường hợp có một cô báo công an là con bị bắt cóc, kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc và hẹn sáng mai ra công viên để trao tiền. Lúc này vụ án chưa khởi tố, nếu cơ quan công an muốn phá án mà không tiến hành các biện pháp bí mật như ghi âm điện thoại, ghi hình bí mật cuộc gặp gỡ trao tiền để làm rõ thủ phạm thì khó thực hiện được” - ông Bình nói.

Ông Phan Trung Lý đề nghị: “Cần phải rà soát lại để hạn chế tối đa các biện pháp điều tra đặc biệt. Không được để áp dụng phổ biến vì nó liên quan quá nhiều đến bí mật đời tư”. Ông Lý cũng nhấn mạnh chỉ được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt sau khi đã áp dụng biện pháp điều tra khác. Ngoài ra thời điểm áp dụng các biện pháp này nên là trước khi khởi tố chứ sau khi khởi tố thì rất ít phát huy hiệu quả.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng cả nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền nên chỉ những gì pháp luật cho phép thì cơ quan chức năng mới được làm, trên cơ sở đó mới giám sát, kiểm tra được. “Tôi hiểu ý đề nghị của Ủy ban Tư pháp cho áp dụng từ khi khởi tố là để tránh theo dõi tràn lan. Còn ý anh Bình là nhằm có thể sớm phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, cần cân nhắc không mở rộng quá vì ở cấp trung ương, cấp tỉnh còn khống chế được, về cấp huyện các đồng chí có đảm bảo làm đúng được không?” - bà Ba đặt vấn đề.

Thống nhất ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Phần lớn các đại biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Thường trực Ủy ban Tư pháp (đơn vị thẩm tra dự luật) là việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

Các đại biểu đề nghị thêm trong trường hợp ghi âm, ghi hình việc hỏi cung gặp trở ngại khách quan thì phải có mặt luật sư, kiểm sát viên để đảm bảo được quy trình giám sát. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị không cần thiết lúc nào cũng phải cho bị cáo nghe lại, xem lại băng ghi âm, ghi hình vì rất mất thời gian. Việc cho bị cáo xem lại tùy từng trường hợp. Nếu bị cáo nhận tội rồi thì niêm phong ghi âm, ghi hình để đấy, ai phá niêm phong sẽ bị xử lý theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm