GS-TS NGUYỄN HỮU KHIỂN, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia:

Ở Việt Nam, cán bộ của ta không sợ bị đuổi việc

Chế độ làm việc tập thể hiện nay ở Việt Nam thì rất lộn xộn, luẩn quẩn và phức tạp. Những người làm sai, yếu kém lại rất thích kiểu phức tạp ấy. Lúc làm thì nhanh nhưng lúc làm sai thì loanh quanh đổ vấy trách nhiệm, lấy lý do vòng vo, chung chung. Hay nhất ở chỗ là lấy lý do khéo sao sau đó lại không ai bị việc gì.

Ở một nhà nước pháp quyền, người đứng đầu có rất nhiều quyền lực và đều chịu sự giám sát chặt chẽ, được đánh giá bằng tính hiệu quả trong công việc bởi cấp trên trực tiếp. Nếu trưởng phòng làm không tốt, cả bộ phận của ông ta cũng bị ảnh hưởng. Nếu giám đốc sở làm không tốt, chủ tịch tỉnh có thể thay thế ngay.

Nhưng ở Việt Nam, cán bộ của ta không sợ bị đuổi việc. Căn nguyên của hệ thống công vụ của ta, nguyên nhân của việc khó khăn tinh giản biên chế là cán bộ của ta, nhất là cán bộ lãnh đạo không sợ bị đuổi việc. Sau khi giải trình, trình bày, lý do vòng vo, viện cớ rồi lại được sắp xếp làm công việc khác, như một số trường hợp, chính ra lại được thăng cấp. (Theo Đất Việt)

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Trưởng bộ môn Kinh tế, Học viện Tài chính:

Không thể tiếp nhận tràn lan vốn FDI từ Trung Quốc

Vốn Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam nhiều bởi Việt Nam có các hiệp ước song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà đầu tư TQ muốn vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi mà Việt Nam đã ký. Bên cạnh đó, hàng hóa TQ cũng có những điều tiếng không tốt trên thế giới nên họ cũng muốn thay đổi tên tuổi của hàng hóa. Đây cũng là một trong những lý do họ đầu tư vào Việt Nam.

Một lý do nữa là TQ đang trong quá trình cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế và họ đang dừng các dự án có mức độ ô nhiễm cao, công nghệ thấp ở trong nước để thay đổi công nghệ. Nhân dịp này, các doanh nghiệp TQ đang muốn đẩy những công nghệ cũ đó đến nước khác. Kinh tế TQ thời gian qua cũng gặp nhiều vấn đề, nhất là việc đồng nhân dân tệ mất giá. Do đó đây là cơ hội cho các doanh nghiệp TQ đưa tài sản ra nước ngoài một cách “được giá” nhất.

Việc dự trữ ngoại tệ chỉ để đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế, còn nếu dự trữ nhiều thì tính chất sinh lời không lớn. Hiện TQ đang đẩy một phần dự trữ ngoại tệ ra nước ngoài. Lượng dự trữ này đi đến nhiều nơi trên thế giới, có thể là đầu tư, cho vay vốn ODA, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư TQ có bàn đạp để đầu tư. (Theo Một Thế Giới)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm