NGUYÊN PHÓ CHÁNH ÁN TAND TỐI CAO TRẦN VĂN ĐỘ:

Nương tay với tham nhũng cũng phải bị xử lý

Liên quan đến chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nói: “Trong đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng cần phải nghiêm minh. Nghiêm minh ở đây nằm ở chỗ đã phạm tội thì phải bị xử lý, đó là điều quan trọng nhất. Nếu có 100 người tham nhũng thì xử lý nghiêm minh cả 100 người, đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thì sẽ hiệu quả hơn, nhân đạo hơn là chỉ phát hiện một ít người rồi phạt tử hình, còn tài sản tham nhũng thì không thu hồi được”.

Có dấu hiệu tham nhũng, chuyển ngay CQĐT

. Phóng viên: Thưa ông, Thủ tướng chỉ đạo tập trung vào công tác phát hiện tham nhũng bởi khả năng phát hiện tham nhũng ở các cơ quan hiện nay là rất thấp. Để công tác này hiệu quả hơn, theo ông cần phải làm gì?

+ Ông Trần Văn Độ: Cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, báo tin về tội phạm tham nhũng cho cơ quan chức năng. Ngoài “trách nhiệm chính trị” mà các cơ quan, tổ chức đang đề cao thì việc quy định chế tài hình sự, hành chính, kỷ luật đối với người có trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng cũng là điều hết sức quan trọng.

Chúng ta đừng quên rằng Điều 25 BLTTHS quy định “các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội…”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chỉ có chế tài với hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm (Điều 313, Điều 314 BLHS) chứ không hề có chế tài hành chính hay kỷ luật nào với hành vi vi phạm nghĩa vụ phát hiện tội phạm. Thực tế hầu như không có cơ quan nào thông báo cho CQĐT, VKS về hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ hoặc lĩnh vực quản lý của mình.

. Công tác thanh tra vẫn được tiến hành thường xuyên nhưng dường như các kết luận thanh tra về tham nhũng ít khi được chuyển ngay cho CQĐT, điều này ảnh hưởng thế nào đến việc xử lý tội phạm tham nhũng, thưa ông?

+ Đúng là có tình trạng khi phát hiện tham nhũng, cơ quan thanh tra vẫn cố gắng ưu tiên xử lý bằng biện pháp hành chính, kỷ luật trước rồi mới đến xử lý hình sự. Quy trình như vậy làm giảm hiệu quả, kéo dài việc xử lý tội phạm tham nhũng, tạo điều kiện cho người phạm tội “che chắn”, đối phó, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản…, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và nhất là thi hành án (THA), thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo tôi, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, cơ quan thanh tra cần chuyển ngay hồ sơ, tài liệu cho CQĐT để xem xét, xác minh, khởi tố vụ án mà không phải chờ tiếp tục thanh tra, ra kết luận rồi mới chuyển hồ sơ như hiện nay.

Đông đảo người dân và báo chí theo dõi phiên xử vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Xử không nghiêm, sao đủ sức răn đe?!

. Thưa ông, một số ý kiến cho rằng trong một số vụ án tham nhũng, dường như mức án đối với người phạm tội không tương xứng với hành vi phạm tội. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Đúng là có thực tế đó. Những vụ tham nhũng bị phát hiện, ngoài việc không được xử lý hình sự thì những vụ được xử lý hình sự cũng chưa được nghiêm minh. Không ít trường hợp tội phạm tham nhũng chỉ bị áp dụng những mức án nhẹ như án treo hoặc hình phạt không tương xứng với hành vi phạm tội. Điều này cũng làm cho hình phạt đối với tham nhũng không được áp dụng đúng, đủ và kéo theo là không có tác dụng răn đe.

Tôi cho rằng trong phòng, chống tham nhũng cũng cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp áp dụng không đúng pháp luật. Chỉ có như vậy mới hạn chế được việc áp dụng những hình phạt không tương xứng đối với người phạm tội khi xét xử.

. Như ông đã đề cập, quy trình xử lý tội phạm tham nhũng hiện nay đang gây ra những khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

+ Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với xử lý tội phạm tham nhũng. Mỗi năm tham nhũng làm mất đi hàng ngàn tỉ đồng. Nếu thu hồi được một phần lớn số tài sản đã bị tham nhũng ấy thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về xã hội, y tế, giáo dục, tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân để giảm bớt nguy cơ nảy sinh tội phạm cho xã hội.

BLHS 2015 có một quy định rất mới tại Điều 40: Không THA tử hình với tử tù về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu họ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản do phạm tội mà có và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Quy định này vừa nhằm thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, đồng thời khuyến khích những người đã bị tuyên án tử hình cho tới trước khi THA có cơ hội lập công chuộc tội, giữ lấy mạng sống.

Tôi ủng hộ quy định này. Dĩ nhiên cần phải có hướng dẫn chi tiết để đánh giá những căn cứ để miễn án tử cho tội phạm tham nhũng để thu hồi tài sản bởi tham nhũng là một loại tội phạm phức tạp.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm