NẠN ĐẠI BÀNG TRONG NHÀ TẠM GIAM Ở TP.HCM:

Nương nhẹ trách nhiệm cán bộ quản giáo, giám thị

Ngày 22-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM chuyển tội danh từ cố ý gây thương tích sang giết người cho Nguyễn Minh Nghĩa và năm đồng phạm trong vụ án đại bàng gây án trong buồng tạm giam số 6 nhà giam giữ của Công an quận 9.

Không cá biệt

Trước đó, tháng 5-2008, tại nhà tạm giữ Công an quận Bình Thạnh cũng xảy ra một vụ giết người. Bị can Bùi Văn Kim Trọng đã đánh bị can vị thành niên Thiều Đình Đức. Quản giáo phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng Đức chết trước khi nhập viện.

Tương tự, tại Trại tạm giam Chí Hòa, buồng giam 22 khu ED có bảy bị can thì đều chịu sự sai bảo, hành hạ của Nguyễn Minh Giàu. Tối 17-12-2007, Giàu buộc hai bị can Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Minh Trung chăm giữ một con thằn lằn. Khi con thằn lằn xổng mất, Giàu đã đập và bắt Tâm và Trung nhai cả hũ ớt tươi. Nguyễn Văn Tâm đã ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu nhưng chết tại bệnh viện.

Nương nhẹ trách nhiệm cán bộ quản giáo, giám thị ảnh 1

Nguyễn Minh Nghĩa và năm đồng phạm giết người trong nhà tạm giữ Công an quận 9 bị cấp phúc thẩm xử tăng án. Ảnh: VNEXPRESS

Kỷ luật công vụ chưa tương xứng

Cả ba vụ trên, thủ phạm rốt cuộc đều bị phạt tù về tội giết người. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của cán bộ quản giáo liên quan vẫn chưa tương xứng như nhận định trong một báo cáo của VKSND Tối cao gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hồi tháng 9-20009.

Chẳng hạn, trong vụ việc xảy ra tại Công an quận 9, ban chỉ huy đơn vị này nêu lý do là các can phạm đánh bạn tù ở góc khuất, ngoài tầm nhìn của camera giám sát nên quản giáo không nhận biết được. Bản thân nạn nhân Nguyễn Đình Thuận bị đánh đập, hành hạ nhiều ngày nhưng lại không khai báo cho luật sư và cán bộ điều tra biết. Vì vậy, Công an quận 9 chỉ cảnh cáo một thiếu úy quản giáo phụ trách buồng giam xảy ra án mạng, khiển trách một trung tá phó đội trưởng quản giáo và hạ một bậc thi đua năm 2009 với bốn cán bộ quản giáo khác.

Còn vụ giết người xảy ra ở nhà tạm giữ Công an quận Bình Thạnh, năm cán bộ quản giáo chỉ bị phê bình rút kinh nghiệm, cắt thi đua hoặc xét không hoàn thành nhiệm vụ trong tháng. Tương tự, kỷ luật ở mức khiển trách hoặc phê bình, hạ một bậc thi đua tháng với những quản giáo thiếu trách nhiệm để xảy ra án giết người cũng được áp dụng ở trại Chí Hòa.

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp vừa rồi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết khi đi giám sát, bà thường được các nơi báo cáo là đã xóa bỏ được nạn đầu gấu, đại bàng. Song qua thực tế phản ánh của báo chí cũng như kiểm tra của VKSND Tối cao thì không hẳn như vậy. Dẫn lại những vụ việc xảy ra ở TP.HCM, bà Nga nhận xét: “Dường như cơ quan chức năng coi đây như những vụ giết người bình thường. Còn xem xét xử lý kỷ luật với cán bộ quản lý lại quá nhẹ. Đáng lưu ý là không lãnh đạo công an quận, huyện nào bị kỷ luật”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm