Nông thôn mới, nhiều nơi ‘sa lầy’ trong nợ nần

“Theo số liệu thống kê, nhiều tỉnh “sa lầy” trong nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới. Tôi phải dùng từ “sa lầy” vì có những tỉnh nợ gần 1.000 tỉ đồng”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương đã nói như thế tại phiên thảo luận về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) ngày 4-11. QH đã dành cả một ngày làm việc cho nội dung này.

Huy động quá sức dân và gánh nợ

Chỉ ra một trong những tồn tại của xây dựng nông thôn mới hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nhiều địa phương chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, thậm chí “huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và cả những hộ chính sách” và cũng vì thành tích mà nhiều địa phương trở thành “con nợ”. “Hiện có 53/63 tỉnh, thành nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cá biệt còn có những xã, thôn lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới cho nên cán bộ suy thoái đã tham ô và gây nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo và cũng gây phức tạp mất niềm tin trong dân” - ĐB Phương nói.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã và số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản. Ông dẫn chứng Bình Phước có 100 xã, vốn đầu tư được phê duyệt trung bình để làm nông thôn mới là 175 tỉ đồng/xã, tương đương từ nay đến năm 2025 tỉnh này phải huy động khoảng 175.000 tỉ đồng để làm nông thôn mới. “Tính ra mỗi năm tỉnh Bình Phước phải chi 15.000 tỉ đồng cho riêng chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó mỗi năm ngân sách tỉnh thu khoảng 4.000 tỉ đồng”.

Trước thực trạng trên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lên một nghịch lý khác là tình trạng lãng phí, thiếu minh bạch, thậm chí có dấu hiệu tham nhũng trong việc xây dựng nông thôn mới. Ông lấy ví dụ một số trạm y tế đầu tư thiết bị trị giá gần 500 triệu đồng nhưng vẫn thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động. Nguyên nhân của việc này do có chuyện “xé lẻ gói thầu thành gói nhỏ” để tránh chuyện đấu thầu “thẩm định thầu định giá thiết bị cao hơn rất nhiều so với thực tế” trong xây dựng nông thôn mới.

ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước): Phải điều tra, thống kê về số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản trong nông thôn mới. Ảnh: QH

Nông thôn mới nhưng tổ chức sản xuất vẫn… cũ

Đó là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra tại phiên thảo luận và chính điều này khiến người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ việc xây dựng nông thôn mới. ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nhận định các tổ chức sản xuất ở nông thôn hiện nay vẫn manh mún, tự cung tự cấp, siêu nhỏ.

Theo ông, hiện chỉ có 1% doanh nghiệp (DN) trong nông nghiệp là hình thức đang thương mại còn hợp tác xã thì có được 15 vạn tổ hợp tác, hơn 2 vạn hợp tác, trong đó có 1 vạn hợp tác nông nghiệp và 50 liên hiệp nhưng rất nhỏ bé.

Trước thực trạng trên, các ĐB trăn trở đề xuất Nhà nước phải có chính sách “khơi luồng, dẫn lối, cởi trói” để hút vốn, khoa học công nghệ kỹ thuật vào đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị cần tập trung tạo năng lực phát triển cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, lực lượng trong nông nghiệp chính là DN, DN liên kết với nông dân, nhà khoa học với sự hỗ trợ khuyến khích của Nhà nước. “Không có DN dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn ngày càng dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản khác biệt nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, người nông dân sẽ không thể trở nên giàu có thì sẽ không có ý nghĩa gì” - ông nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Nhà nước cần có nhiều chính sách “cởi trói”, ví dụ “cởi trói” về chính sách đất đai để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để người dân, DN yên tâm đầu tư, làm ăn. “Tôi tâm đắc với ý kiến phát biểu của bộ trưởng Bộ NN&PTNT mới đây, đó là đã đến lúc phải sửa đổi những nút thắt quy định ở Điều 129 của Luật Đất đai, giới hạn hạn điền đối với sản xuất cây trồng. Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng ủng hộ và cho biết hai ngành đã thảo luận và đang có kế hoạch đề xuất thành lập một ngân hàng quỹ đất để những người dân chưa có nhu cầu sử dụng có thể gửi vào đây, trong khi những nông dân hay DN có nhu cầu làm ăn lớn cũng sẽ có niềm tin để thuê đất sử dụng lâu dài, ổn định” - ông Anh nói.

Dẫn đầu về nông thôn mới lại chiếm tỉ lệ nợ cao nhất

Trước đó, trình bày báo cáo giám sát về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới của nhiều tỉnh rất lớn. “Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt trong nhân dân là huyện Phước Long, Bạc Liêu nợ 397 tỉ đồng” - ông nói. Ông cho biết những nơi xây dựng nông thôn mới càng mạnh, dẫn đầu cả nước thì càng nợ đọng nhiều như khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Theo đó, ông Thanh đề nghị phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện xây dựng nông thôn mới…

________________________________

15.277 tỉ đồng là số nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới của 53/63 tỉnh, thành.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.