Nồng độ cồn chiếm 70% nguyên nhân tai nạn giao thông

Sáng 27-10, Ban ATGT TP.HCM đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.

TP.HCM là một trong 10 TP trên thế giới được chọn tham gia vào thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự gia tăng TNGT toàn cầu được tài trợ bởi Quỹ Bloomberg.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết chín tháng đầu năm 2016, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp, TNGT đã tăng cả ba mặt so với cùng kỳ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: Công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng vào đối tượng chính tham gia giao thông, phương tiện tăng đáng kể, việc tổ chức hạ tầng giao thông còn bất cập, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt cũng còn mỏng, đặc biệt ý thức người tham gia giao thông chưa được cao.

Ban tổ chức buổi lễ trao khẩu hiệu tuyên truyền cho các lực lượng thanh niên.

Lực lượng CSGT TP cũng sẵn sàng lên đường hưởng ứng lễ phát động.

“Trong các nguyên nhân trên thì ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, chiếm trên 80% nguyên nhân TNGT như đi không đúng làn đường, đi vào đường cấm, đi vào đường ngược chiều, vượt cả đèn đỏ, chạy với tốc độ cao, đổi hướng không đúng quy định, đặc biệt đã sử dụng rượu bia nhưng điều khiển phương tiện chiếm 60%-70% nguyên nhân dẫn đến TNGT” - ông Tường nhấn mạnh.

Theo ông Tường, với tình hình đó, Ban ATGT TP.HCM đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP. Chương trình nhằm tăng cường công tác tuyên truyền góp phần làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn; tập trung các đối tượng thường xuyên điều khiển phương tiện xe ô tô, mô tô, xe gắn máy hai bánh, góp phần xây dựng văn hóa giao thông mới mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết".

Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP cũng cho biết thông điệp của chiến dịch vẫn là “Không lái xe sau khi uống rượu bia” và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các sở/ngành, hiệp hội vận tải, bến xe đầu mối, PC67 và các đơn vị có liên quan tích cực thực hiện chiến dịch này, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông và kéo giảm TNGT có nguyên nhân liên quan đến nồng độ cồn.

Lực lượng thanh niên phối hợp với CSGT ra đường tuyên truyền về tác hại của nồng độ cồn.

Các lực lượng sẽ đi trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP mở màn cho chiến dịch.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt PC67 Công an TP, cũng thừa nhận trong nhiều năm qua tình hình TNGT luôn diễn biến phức tạp, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, trong đó có hành vi đã uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông.

Trung tá cho biết trong chín tháng đầu năm 2016, có gần 140 người tử vong khi điều khiển phương tiện tự té và tự gây tai nạn, chiếm gần 1/4 số người tử vong do TNGT trên toàn TP; dĩ nhiên không loại trừ các vụ tự té này có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong duy trì đảm bảo ATGT trên địa bàn TP, lực lượng CSGT TP sẽ phối hợp với nhiều cơ quan tuyên truyền luật giao thông cũng như tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Về phía Hiệp hội Vận tải TP.HCM cũng hưởng ứng chiến dịch này. Ông Lê Trung Tín, Phó Chủ tịch hiệp hội, khẳng định thời gian tới sẽ vận động đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông; tuyên truyền đến từng lái xe, nhân viên biết tác hại nghiêm trọng của nồng độ cồn và mức phạt tăng nặng ở Nghị định 46; cũng như khuyến khích các đơn vị vận tải in thêm khẩu hiệu “Đã uống rượu bia không lái xe”; phát hành sổ tay an toàn giao thông...

Cũng ngay sau khi lễ phát động kết thúc, rất đông CSGT TP và lực lượng thanh niên TP đã chạy xe trên các đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi,... để tuyên truyền về luật ATGT và tác hại của nồng độ cồn.

1 ly bia giết chết 100.000 tế bào não

Cồn có tác động rất lớn đến hệ thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp, thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy người uống rượu bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến TNGT. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu uống 50 g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia.

Ngoài ra dùng quá nhiều cồn sẽ sinh ra các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, tim mạch.

Theo báo cáo thống kê của một số BV có những trường hợp xảy ra TNGT mà thời gian điều trị kéo dài, chi phí tốn kém rất lớn, có những trường hợp điều trị kéo dài 2-3 tháng với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho một bệnh nhân.

Ông ĐỖ QUỐC HIỆP, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm