Nỗi đau xé lòng ở Hát Lừu

Sáng 12-10, khi biết tôi có ý định đi từ thị xã Nghĩa Lộ tới huyện Trạm Tấu (Yên Bái), nhiều lái xe và đồng nghiệp khuyên: “Không đi được đâu, tuyến đường bị đất, đá vùi lấp chia cắt ba ngày nay rồi”.

Tới Bến xe Nghĩa Lộ thuyết phục các bác xe ôm, tôi chỉ nhận những cái lắc đầu.

Bùn sâu 1 m chia cắt Trạm Tấu

Một thanh niên đồng ý chở chúng tôi vào Trạm Tấu với điều kiện “đi đến đâu hay đến đấy” và tôi lên xe.

Chạy chừng 10 km, bác tài xe ôm này bỏ cuộc vì không còn đường để đi. Con đường trước mắt bị vùi trong đất, đá, cây cối… và anh này cho hay: Còn 30 km nữa mới đến nơi.

Lội bộ! Tôi quyết định. Tôi men theo sườn núi, băng qua các con suối và bò lên những túi bùn sâu gần 1 m nằm giữa đường do lở núi tạo ra để tiếp tục cuộc hành trình vào Hát Lừu.

Hai đôi chân nhiều lần mắc cứng dưới đồng bùn, không bước tiếp được, phải vịn vào cành cây để nhấc bổng người lên.

Đi được khoảng 5 km, tôi bắt đầu hoang mang vì người dính đầy bùn đất, hai chân bị cành cây cứa chảy máu, bàn chân đau rát vì đá nhọn đâm vào. Tôi lấy khăn băng vào vết thương nhưng khi vượt qua lớp bùn non khác, băng lại bị tuột ra. Hy vọng phía trước là đường phẳng, tuy nhiên đường vẫn lầy lội. Hơn ba tiếng đồng hồ vật lộn, sự mệt mỏi đã làm cho hai bàn chân tôi không còn cảm giác, những vết trầy xước được bùn non vá lại và tôi tiếp tục đi.

Có đoạn men theo vách đá dưới chân là vực thẳm mà chỉ cần sẩy chân là toàn thân nằm gọn dưới chân đồi. Nhưng thật may mắn tôi đã vượt qua và có mặt ở bản Hát Lừu. Một bản làng của người dân tộc Thái nằm ven con suối Huông Huổi Phang. Nơi đây cơn lũ quét đã cướp đi sinh mạng của tám người và xóa sổ nhiều nhà dân.

Chị Đường Thị Hom bên đống đổ nát của căn nhà bị nước cuốn trôi. Ảnh: VIẾT LONG

Đường vào xã Hát Lừu đầy bùn, đá…

Tang thương xóm nghèo

Chị Đường Thị Hom, thôn Hát 2, xã Hát Lừu, chưa hết bàng hoàng kể: Sáng sớm 10-10, mọi người trong thôn đang ngủ thì nghe tiếng nước ào ào từ trên núi xuống kèm theo tiếng nổ như bom phát ra từ lòng đất. Tiếp đến là tiếng kêu cứu vang ra khắp mọi nơi: “Tôi tỉnh giấc và ôm con thoát ra ngoài. Vừa chạy được vài bước thì căn nhà đổ ập xuống, trôi theo dòng nước lũ” - chị Hom nhớ lại.

Căn nhà mà chị Hom nhắc tới là tài sản do hai vợ chồng dành dụm bao nhiêu năm để xây lên. Chị kể chồng chị là giáo viên, mất vào tháng 10 năm ngoái vì bệnh. Tài sản anh để lại cho hai mẹ con chị là căn nhà xây kiên cố nhưng ai ngờ nỗi đau chồng mất chưa nguôi, chị lại đối diện cảnh mất nhà: “Giờ tôi chẳng biết lấy gì sống, sao ông trời có thể cướp hết mọi thứ của tôi nhanh như thế...” - chị Hom đưa tay lau giọt nước mắt đang trào ra.

Không xa nơi chị Hom ở, nhà của gia đình chị Lò Thị Hương cũng bị lũ cuốn, chỉ còn trơ lại một cọc bê tông. Theo chị Hương, đêm đó nếu chị không chạy lên đồi nhanh cũng bị nước cuốn trôi: “Lúc lên đồi tôi thấy có người chạy lại gốc cây rồi trèo lên để tránh lũ nhưng nước lớn đã bốc cả cây và người đi. Nhìn xuống nhà, tôi chỉ thấy một dòng nước đang cuộn chảy...” - chị Hương nhớ lại.

Trên địa bàn xã Hát Lừu có bảy nhà bị nước lũ cuốn trôi, nhiều nhà bị ngập. Riêng thôn Hát 2 có sáu nhà và tám người bị lũ cuốn. Hiện chính quyền địa phương mới tìm được thi thể ba người. 

Cách những ngôi nhà bị sập một ngọn đồi là nơi anh Lò Văn Chiêm đang tổ chức mai táng cho bố và em dâu của mình. Đứng trước hai quan tài đang nghi ngút hương khói, anh Chiêm vẫn không tin bố, vợ chồng em trai và hai đứa cháu bị nước lũ cuốn trôi.

Anh Chiêm kể: “Lúc đó 4 giờ 30, tôi nghe người dân kêu lũ lên nên xuống dòng suối giúp đỡ các hộ dân khác đưa đồ đạc lên. Cùng lúc có người bảo nhà của em trai tôi là Lò Văn Tam bị lũ cuốn đi, không thấy ai nữa. Nghe vậy tôi không tin, vì nhà đứa em ở trên cao, bao năm nay nước không tới. Nhưng khi chạy lên thì nhà em và một số hộ dân bên cạnh bị lũ cuốn đi mất. Tôi chỉ biết đứng nhìn mà không thể làm gì khác. Bố tôi, ông ấy già rồi mà lúc chết cũng không toàn thây...” - anh Chiêm nghẹn giọng.

Cháu bé ở Hát Lừu có người thân bị mất trong lũ

Theo anh Chiêm, chưa bao giờ anh chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vậy. Nhiều ngôi nhà bê tông kiên cố cũng bị bốc đi không còn sót gì.

Trong năm người thân anh Chiêm bị lũ cuốn mới tìm được người bố và em dâu. Hiện còn người em trai và hai người cháu vẫn chưa có tin tức gì: “Mỗi ngày qua đi là một ngày tôi chờ đợi, mong em trai và các cháu bình an quay trở về, đừng đi hết như vậy tôi xót lắm...!” - anh Chiêm nói và nhìn về hướng con suối.

Cũng như anh Chiêm, chị Lò Thị Phương mong muốn phép màu sẽ đến với chồng mình. Chị Phương cho biết do chủ quan nghĩ mưa lũ như các năm nên chồng chị là anh Mè Văn Hướng vẫn lên rẫy ngủ. Khi thấy mưa lớn, chị Phương gọi điện thoại cho chồng bảo về nhưng nước lớn nên anh không thể về được.

“Trước khi lũ về khoảng 10 phút tôi còn nói chuyện với chồng khuyên nước lớn thì tìm nơi nào cao trú, đừng gắng vượt suối về rất nguy hiểm. Anh bảo yên tâm thì đầu dây bên kia không nghe tiếng gì. Tôi tiếp tục liên lạc với chồng nhưng điện thoại không còn reo. Hoảng, tôi chạy ra thì không còn thấy mặt chồng nữa...” - chị Phương vừa kể nước mắt vừa trào ra.

• TP Vinh có nguy cơ vỡ đê. Chiều 13-10, lực lượng quân đội huy động 600 cán bộ, chiến sĩ, dân quân cùng hàng trăm người dân khẩn cấp cứu đê sông Vinh (phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An). Đến chiều tối cùng ngày, điểm sạt lở đã được đóng cọc tre và gia cố bằng các bao tải đựng đất, cát, đá... Tuy nhiên, nước sông Vinh vẫn còn dâng cao và chưa có dấu hiệu rút. Chủ tịch UBND TP Vinh trực tiếp chỉ đạo công tác hộ đê. 

• Tìm thấy thi thể thứ 10 vụ sạt lở vùi 18 người ở Hòa Bình. Chiều 13-10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng nhiều người dân tiếp tục đào bới đống đổ nát và tìm thấy nạn nhân thứ 10 sau vụ sạt lở, tám nạn nhân còn lại vẫn còn bị vùi dưới hàng ngàn khối đất đá.

Hiện 300 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tiếp tục bám trụ tìm kiếm những nạn nhân còn bị vùi lấp dưới đất đá.

• Tìm thấy thi thể PV bị lũ cuốn. Cùng ngày, thi thể PV Đinh Hữu Dư (PV TTXVN thường trú tỉnh Yên Bái) đã được tìm thấy. Anh Dư khi đang tác nghiệp trên cầu Thia ngày 11-10 thì bị nạn.

• 700 phạm nhân Trại giam Thanh Phong bị cô lập do mưa lũ. Trại giam đã huy động canô cứu trợ, hỗ trợ đưa cơm cho 700 phạm  nhân. 100 cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp tới đây nhằm đảm bảo an toàn. Mưa lũ cũng khiến nhiều trại heo gà, thực phẩm, trang thiết bị của đơn vị bị ngập, thiệt hại ước tính ban đầu lên đến 10 tỉ đồng. 

Đ.LAM - V.THỊNH - Đ.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm