Nói bừa bạn trộm gà, tòa buộc xin lỗi

TAND huyện Châu Thành (Bến Tre) vừa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông B. phải xin lỗi ông N. trước tổ nhân dân tự quản nơi ông B. cư trú. Tòa bác yêu cầu buộc bị đơn bồi thường về tổn thất tinh thần và chi phí đi lại khởi kiện bởi mức độ ảnh hưởng của sự việc không lớn.

Gà bị bẻ cổ

Cuối năm trước, nhóm ông N. và ông B. xúc tro thuê cho một gia đình ở ấp Tiên Đông Vàm, xã Tiên Thủy. Đến trưa, mọi người về nhà ăn cơm, riêng ông N. ở lại cắt cỏ. Cuối ngày, ông B. đưa cho ông N. xem một con gà đã bị bẻ cổ và nói rằng phát hiện trong bao cỏ của ông N. Sau đó, cả nhóm thịt gà làm đồ nhậu.

Chén chú chén anh xong, ông B. về nhà và gọi điện thoại cho ông N. hỏi có bắt con gà trên bỏ vào bao cỏ không, sao không đem ra thịt cho mọi người cùng nhậu mà chờ đến khi ông phát hiện... Nghe hỏi, ông N. khẳng định mình không bẻ cổ gà cũng như không biết con gà đó là của ai.

Tuy nhiên, hai ngày sau, ông B. lại đem chuyện ông N. trộm rồi bẻ cổ gà ra nói với mọi người. Thấy bị xúc phạm, bị vu khống khiến mọi người hiểu lầm nên ông N. làm đơn gửi ban hòa giải ấp và xã yêu cầu ông B. xin lỗi.

Được mời lên làm việc, ông B. không những không xin lỗi mà còn khẳng định là ông N. đã trộm con gà trên.

Nói bừa bạn trộm gà, tòa buộc xin lỗi ảnh 1

Nói không có cơ sở

Nghe ông B. nói bừa, bực mình ông N. liền khởi kiện ra TAND huyện, yêu cầu ông B. xin lỗi ông trước tổ nhân dân tự quản ấp và bồi thường tổn thất tinh thần 5 triệu đồng cùng 1 triệu đồng chi phí đi lại khởi kiện. Thụ lý vụ án, tòa mời ông B. lên hòa giải nhưng đều không thành công.

Tại phiên tòa vừa qua, hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, không ai nhường cho ai.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định nguyên đơn yêu cầu bị đơn xin lỗi là có cơ sở. Bởi căn cứ vào các lời khai của ông B. tại ấp, xã cho thấy ông khẳng định ông N. lấy cắp con gà bỏ vào bao cỏ mà không có chứng cứ chứng minh. Đồng thời, ngay khi sự việc xảy ra, ông B. không yêu cầu người mất gà hay chính quyền địa phương làm rõ ông N. có trộm gà hay không. Do đó, ông B. phải công khai xin lỗi ông N. vì bịa chuyện không đúng.

Riêng phần bồi thường, HĐXX xét thấy mức độ ảnh hưởng của việc là không lớn. Vì theo nguyên đơn, sự việc xảy ra chỉ có người dân tại nơi ông B. sinh sống biết mà thôi. Nó cũng không làm xáo trộn cuộc sống gia đình và người thân của nguyên đơn. Ông vẫn đi lao động bình thường. Cạnh đó, ông N. cũng không có chứng cứ chứng minh bản thân bị tổn thất tinh thần sau sự việc. Do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cũng như chi phí đi lại trong thời gian khởi kiện của ông N.

Khó chứng minh thiệt hại tinh thần

Việc yêu cầu buộc bồi thường tổn thất tinh thần hiện đang gây nhiều khó khăn cho người khởi kiện. Bởi lẽ yêu cầu bồi thường này chỉ được chấp nhận khi có căn cứ chứng minh thiệt hại. Theo luật, nguyên đơn phải chứng minh được có thiệt hại xảy ra và liên quan đến hành vi trái pháp luật của bị đơn. Việc chứng minh là không đơn giản. Chỉ khi ông N. chứng minh được rằng ngay sau khi bị vu trộm gà ông mất ăn mất ngủ, không thể lao động được trong thời gian dài và có giấy chứng nhận của bác sĩ là tinh thần ông sa sút, thể chất mệt mỏi... thì mới có căn cứ để tòa xem xét.

Cạnh đó, khi muốn yêu cầu bồi thường chi phí đi lại khởi kiện, ông N. phải cung cấp được cho tòa hóa đơn, chứng từ chứng minh được những chi phí này là hợp lý xuất phát từ việc bị đơn có hành vi trái pháp luật gây ra.

Còn lại, tôi đồng tình với HĐXX khi tuyên chấp nhận yêu cầu buộc phía bị đơn xin lỗi công khai vì đã vu cho ông N. trộm gà.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm