Nổ súng ở Đắk Nông: Tỉnh đã chỉ đạo xử lý nghiêm DN

“Tôi biết huyện Tuy Đức đã kiến nghị và tỉnh có chỉ đạo giải quyết mâu thuẫn của người dân với Công ty Long Sơn. Tuy nhiên do đề xuất của các cơ quan tham mưu chưa sát để xảy ra vụ việc như vừa qua. Vì vậy, trong vụ này cũng có trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Chủ trương của tỉnh là không bao che ai cả, tập thể, cá nhân nào có trách nhiệm đều phải xử lý”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Trưởng đoàn ĐBQH Đắk Nông Ngô Thanh Danh nói với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội khi đề cập đến vụ “nổ súng chết ba người” ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vào chiều qua (3-11) .

Lê thanh danh

Ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về kinh tế -xã hội của Quốc hội hôm 2-11

Làm rõ dư luận “có gì đó không?”

. Phóng viên: Trước đó, chính quyền đã yêu cầu các doanh nghiệp được giao dự án “nằm im” song Công ty Long Sơn vẫn tự ý san ủi rẫy của người dân và dẫn đến vụ nổ súng. Ông nhận định gì về sự việc này và quan điểm xử lý của Tỉnh ủy như thế nào?

+ Đại biểu NGÔ THANH DANH: Công ty Long Sơn tự ý san ủi vườn rẫy người dân đang canh tác là vụ việc nghiêm trọng. Doanh nghiệp (DN) không có cái quyền này. Trong trường hợp này DN phải thỏa thuận, hỗ trợ, bồi thường với người dân nhưng lại tự ý san ủi vườn tược của người dân là sai, vượt quyền Nhà nước.

Tỉnh đã có chỉ đạo rồi, dứt khoát là phải xử lý nghiêm DN. Về phía những người dân nổ súng, họ đã ra đầu thú, cơ quan điều tra đang làm và cũng sẽ phải xử lý theo pháp luật.

. Mâu thuẫn giữa người dân và DN đã xảy ra ở huyện Tuy Đức nhiều năm nay nhưng vẫn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Dư luận đặt câu hỏi liệu có sự “bao che”, “bảo kê” vậy trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền huyện, địa phương sẽ được xem xét ra sao, thưa ông?

+ Tất nhiên là mấy ông này phải gánh trách nhiệm vì đã biết mà không làm thì phải gánh trách nhiệm, phải kiểm điểm, phê bình, xử lý đến nơi đến chốn. Về việc dư luận đặt câu hỏi “có gì đó không ở đây?” thì điều này cần phải làm rõ.

. Người dân tại tiểu khu 1535 đã nhiều lần kiến nghị tỉnh thu hồi đất đã cho Công ty Long Sơn thuê chồng lên đất họ đang canh tác. Vậy quan điểm của Tỉnh ủy về kiến nghị này như thế nào?

+ Bây giờ phải rà soát hết lại. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tổ chức đo đạc lại. Hiện trạng đất như thế nào, chồng lấn như thế nào phải làm rõ, chứ không thể để như thế này. Nó sẽ gây mất trật tự, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như vừa qua.

Công ty long sơn

Công ty Long Sơn tự ý san ủi làm hàng trăm cây điều của người dân bật gốc. Ảnh: N.ĐỨC

chính sách cho người dân đã lỡ phá rừng

. Ông từng là bí thư Huyện ủy đầu tiên của Tuy Đức, vậy theo quan điểm của ông mâu thuẫn giữa người dân và Công ty Long Sơn cần được giải quyết ra sao, thưa ông?

+ Lúc tôi làm bí thư Huyện ủy Tuy Đức đã đề xuất với tỉnh dừng các dự án giao đất, giao rừng cho các DN thiếu năng lực, các dự án thiếu hiệu quả có nguy cơ gây bất ổn về mặt kinh tế, xã hội… Thậm chí có DN còn lấy “sổ đỏ” đó để làm mục đích khác. DN được giao đất, giao rừng mà không quản lý, không sử dụng tốt thì phải phản đối.

Tỉnh cũng đã có những chỉ đạo xử lý quyết liệt trong vấn đề này và một số dự án đã bị dừng lại. Số dự án giao đất giao rừng tại Tuy Đức trước đây rất nhiều, chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các dự án giao đất, giao rừng cho DN quản lý sản xuất của tỉnh Đắk Nông nhưng bây giờ đã giảm nhiều.

. Tại huyện Tuy Đức cũng như Đắk Nông còn rất nhiều dự án giao đất, giao rừng cho DN nhưng rừng bị tàn phá, đất bị lấn chiếm, gây mâu thuẫn xã hội nổi cộm. Tới đây tỉnh giải quyết vấn đề này như thế nào?

+ Tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo lập lại trật tự, kỷ cương, thực hiện tái định cư cho người dân. Hộ dân nào đã lỡ phá (rừng - NV) rồi thì bây giờ tỉnh phải có chính sách tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống ở đó.

Vấn đề này không phải bây giờ Đắk Nông mới làm mà tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và trong lúc anh em đang tập trung làm thì xảy ra vụ việc. Hội nghị vừa rồi của tỉnh về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận, nhấn mạnh phải lập lại trật tự, kỷ cương trong việc giao đất khoán rừng; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi lãnh đạo của tỉnh, trong đó có trách nhiệm của sở ngành, của địa phương, của các DN.

Phải làm kỹ như vậy trên tinh thần làm nghiêm. Nguyên tắc giải quyết là phải lấy dân làm gốc để làm sao phải tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc có đất, yên tâm làm ăn sinh sống.

. Xin cám ơn ông!

Nguyên tắc giải quyết là phải lấy dân làm gốc để làm sao phải tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc có đất, yên tâm làm ăn sinh sống.

ĐB NGÔ THANH DANHPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông

 

“Các dự án, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả không cao. Rừng thì mất, đất thì bị lấn chiếm, mua bán trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, áp lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, học tập, chữa bệnh, đi lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý địa bàn, quản lý dân cư...

Vì vậy, tôi đề nghị thực hiện nghiêm Nghị quyết 112 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm