'Nỗ lực của những nạn nhân da cam làm chúng ta cảm phục'

Ngày 13-7, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua vì nạn nhân chất độc da cam toàn quốc lần thứ III.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, cho biết chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng. Thảm họa da cam/dioxin đã hủy hoại môi trường và sức khỏe con người vô cùng nặng nề và còn lâu dài cho nhiều thế hệ Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam không chỉ là nỗi đau đối với dân tộc Việt Nam mà còn là của nhân loại trên thế giới...

Bà Mai cho rằng, dù phải gánh chịu nỗi đau, nhưng các nạn nhân của chất độc màu da cam không chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã, vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống… còn giúp đỡ được những người khác cùng cảnh ngộ… Như em Nguyễn Minh Thuận (TP Cần Thơ) sinh ra đã bị dị tật và mắc nhiều bệnh khác. Từ nhỏ Thuận đã sống với ông bà ngoại, nhưng bù lại nghịch cảnh là thành tích học tập rất giỏi từ phổ thông đến đại học, hiện em là thạc sĩ và lập trình viên Trường đại học Võ Trường Toản.

Một gia đình ở Quảng Trị sinh được bốn người con, nhưng tất cả đều bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: VIẾT LONG

Hay em, Đỗ Thị Khuyên (Tiền Giang), bị liệt 2 chân từ nhỏ nhưng với quyết tâm cao em đã học bơi và tham gia thi đấu giải thể thao người khuyết tật, đạt thành tích cao với hơn 10 huy chương vàng toàn quốc….  

Tiếp đến, là em Đậu Thị Nga, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Em sinh ra bị dị tật hai chi dưới bị liệt, hai tay teo nhỏ nhưng quyết sống không yếu thế, đã học nghề làm tranh nghệ thuật và hoa giấy. Hiện em không những đã tự mưu sinh, mà còn giúp dạy nghề miễn phí cho các bạn cùng hoàn cảnh... "Nỗ lực của họ làm cho chúng ta vô cùng cảm phục, xứng đáng được mọi người trân trọng ghi nhận và tuyên dương…"- bà Mai tâm sự.

Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, qua 5 năm, toàn Hội vận động được hơn 911 tỉ đồng. Số tiền trên đã được quản lý chặt chẽ và dùng để hỗ trợ các nhu cầu cấp bách của nạn nhân, như  xây dựng 24  trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở tỉnh, thành hội và trung tâm khu vực tại Hà Nội; Trợ cấp việc làm cho gần 500 nạn nhân, xây mới và sửa chữa 1.582 nhà, cấp 3.337 suất học bổng và khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 78.000 lượt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm