Niềm vui hòa giải thành vụ án khó

Theo hồ sơ, năm 1972, gia đình bà L. và gia đình bà H. sống chung trong một căn nhà ở quận 11 (TP.HCM). Đến năm 1985, bà L. làm giấy ủy quyền cho bà H. với nội dung “làm chủ căn nhà hiện chúng tôi đang ở” và được chứng thực tại UBND phường.

Tranh chấp sau 20 năm

20 năm sau, tháng 12-2005, bà L. nộp đơn ra TAND quận 11 đòi lại căn nhà trên. Theo đơn kiện, năm 1985 bà L. có ý định đi xuất cảnh nên mới làm giấy ủy quyền giao cho bà H. quản lý, giữ giùm căn nhà. Sau đó, bà không xuất cảnh và cũng không về sống với gia đình bà H. Khi biết bà H. xóa hộ khẩu của bà và lấy toàn bộ giấy tờ nhà, bà liền khởi kiện...

Ngược lại, bà H. trình bày năm 1985 bà mua lại nhà của bà L. với giá trên bốn lượng vàng. Việc giao tiền mua nhà có sự chứng kiến của hai người nhưng một người đã chết, người còn lại là chị ruột của bà. Bà yêu cầu tòa công nhận nhà này bà đã mua...

Niềm vui hòa giải thành vụ án khó ảnh 1

Chưa ngã ngũ

Xử sơ thẩm tháng 9-2007, TAND quận 11 đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy giấy ủy quyền trước đó giữa hai bên, buộc bà H. giao lại toàn bộ bản cahính giấy tờ nhà cho bà L.

Một năm sau, TAND TP.HCM xử phúc thẩm nhận định việc ủy quyền không ghi thời hạn chấm dứt cũng như điều kiện chấm dứt cho thấy bà L. hoàn toàn đồng ý chuyển quyền sở hữu cho bà H. HĐXX sửa án, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố xác định căn nhà là của bà H.

Đến tháng 3-2011, chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo kháng nghị, tòa sơ thẩm xác định bà L. chưa bán căn nhà cho bà H. là có căn cứ, cấp phúc thẩm cho rằng bà L. ủy quyền đồng ý chuyển quyền sở hữu cho bà H. để bác yêu cầu khởi kiện là không chính xác. Sau đó, hai bản án bị giám đốc thẩm hủy giao cho TAND quận 11 xử sơ thẩm lại.

Nỗ lực hòa giải thành

Sau khi thụ lý lại vụ án, đọc hồ sơ, người thẩm phán xác định đây là vụ án phức tạp. Có nhiều vấn đề khó làm rõ và việc xác định sự thật khách quan của vụ án cũng không dễ… Tuy nhiên, điều mà thẩm phán trăn trở hơn cả là dù kết quả vụ án như thế nào thì bản án cũng khó thể thi hành, gây xáo trộn lớn đến nhiều người khác và chưa có gì có thể đảm bảo vụ án này sẽ kết thúc sau khi đã phán quyết. Chạy theo vụ án, không chỉ hai bên tốn thời gian, công sức lẫn tiền bạc mà ngay chính tòa cũng vất vả.

Chính vì vậy người thẩm phán quyết định chọn phương thức kiên trì hòa giải, tạo sự đồng thuận giữa các bên. Để làm được điều này, ngoài việc mời hòa giải nhiều lần, thẩm phán còn gặp riêng người đại diện của các bên đương sự (đều là luật sư) để phân tích cái lý, cái tình và hậu quả pháp lý có thể dẫn tới trong trường hợp đôi bên vẫn khăng khăng giữ yêu cầu. Rất may là cả hai luật sư đều có lương tâm trách nhiệm với nghề nghiệp và có nhận thức đúng đắn nên họ cùng thẩm phán đưa ra những lời khuyên hữu ích cho thân chủ.

Vì thế mới đây, vụ án kết thúc bằng việc hai bên thỏa thuận được với nhau là bà H. hỗ trợ cho bà L. 620 triệu đồng. Thỏa thuận xong, hai bên đều hài lòng chấm dứt tranh chấp kéo dài hơn sáu năm qua.

Hòa giải được vụ án khó vào dịp cuối năm, người thẩm phán thấy vui và nhẹ lòng hẳn ra. Vui vì căng thẳng của hai bên không còn sau một thời gian dài. Vui vì có sự chân tình của các luật sư thêm vào giúp đương sự thấu hiểu và có thiện chí vì lợi ích chung...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm