Những nội dung ấn tượng nhất trong bài phát biểu của ông Obama

 Trưa 24-5 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Việt Nam (Mỹ Đình, Hà Nội), ông Obama đã có bài phát biểu trước 2.000 bạn trẻ Việt Nam.
Trong bài phát biểu được ông nói "tay bo" không cần văn bản, vị Tổng thống Mỹ đã ghi điểm trong lòng rất nhiều người dân Việt khi ông trích dẫn nhiều áng văn bất hủ, những bài ca đi cùng năm tháng, những tên đất, tên người của đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Mời bạn đọc cùng PLO điểm lại những nội dung này trong bài phát biểu gây xúc động cho rất nhiều người Việt của vị Tổng thống Mỹ.
***

Nguồn: Zing.vn


Trống đồng Đông Sơn, Hà Nội, sông Hồng và Văn Miếu:

"Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cây ở mảnh đất này. Việt Nam có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã tồn tại trên sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam, biết tới Văn Miếu".
Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt và hình ảnh cây tre:
"Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp nhưng như một cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời."
Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ có đoạn trích: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Những nghĩa trang Việt Nam và những người Mỹ không trở về nhà:
“Ta nhận thức được sự thật đau đớn là chiến tranh dù thế nào đi nữa thì cũng mang lại sự đau đớn. Ai cũng biết như thế. Ở nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam, hơn 3 triệu người Việt Nam, cả thường dân và bộ đội đã hy sinh. Tại đài tưởng niệm ở Mỹ, hơn 58.000 người Mỹ đã không trở về nhà”.
Mùa xuân đầu tiên và những câu hát mà nhiều người Mỹ cũng thuộc:
“Nhiều người Việt Nam và Mỹ đều có thể thuộc những bài hát của Văn Cao: Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người. Từ nay người biết yêu người...”
Từ thơ Nguyễn Du đến toán học của giáo sư Ngô Bảo Châu:
“Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, công nghệ, từ thơ của Nguyễn Du, tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu”.
Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng và đồng bằng sông Cửu Long:
"Vấn đề quan trọng là đảm bảo sức khỏe người dân vẻ đẹp hành tinh, nhất là các di sản như vịnh Hạ Long, Hang Sơn Đoòng, ta bảo vệ vì tương lai con cháu chúng ta...
Để đối phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện cam kết chống lại sự tác động quá trình này nhất là vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp nguồn thực phẩm lớn...".
Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng:
“Hôm nay tôi đứng đây, vô cùng lạc quan về tương lai hai nước. Tôi có niềm tin về tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như Mỹ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng mình ra”.
Thơ Nguyễn Du và lời kết "trăm năm"...
"Sau này khi người Hoa Kỳ và Việt Nam học cùng nhau, cùng nhau lập doanh nghiệp, cùng nhau sáng chế, tôi hy vọng các bạn nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây, trước các bạn, như Nguyễn Du đã từng viết: Trăm năm cũng từ đây... Cám ơn, chào tạm biệt."
Những nội dung ấn tượng khác
“Ta cũng thấy một điều có tính nguyên tắc là Việt Nam là nước có chủ quyền. Không nước nào có quyền áp đặt ý chí lên Việt Nam. Độc lập chủ quyền cho người dân Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định”.
“Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước”.
“Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ việc bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam”.
“Quan hệ của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa hai chính phủ về nhân quyền. Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau hai thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc như bất bình đẳng, định kiến từ tư pháp, hình sự. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo”.
“Mỹ không muốn áp đặt lên bất cứ nước nào. Chúng tôi tin vào giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm