Những điều ít biết về TNGT - Bài 3: Tâm bất an dễ gây tai nạn

Nói về TNGT, người ta thường nhắc đến các nguyên nhân chủ quan như tài xế phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến, giành đường… Tạm bỏ qua những lý do trên, tôi cho rằng còn có một nguyên nhân khác ít được nhắc tới nhưng không kém phần quan trọng, đó là tâm lý của tài xế ở thời điểm cầm lái. Chỉ cần một phút giây buồn bực, nóng giận, người tài xế có thể gây họa cho người khác và cho chính bản thân. Hai câu chuyện sau là minh chứng.

Suýt hại hai mạng người

Chuyện xảy ra với chính bản thân tôi, đến nay tuy đã hơn 20 năm nhưng vẫn không thể quên được. Đêm hôm trước, sếp của tôi bị mất tiền trong ví và kêu tôi tới căn vặn. Bị tổn thương, tôi tính nghỉ việc nhưng lại lo lắng chuyện con cái đang tuổi ăn tuổi học, thế là trằn trọc cả đêm…

Đến sáng, trong tâm trạng bất an, tôi lái ô tô chở sếp từ Hội An ra TP Đồng Hới. Phía trước ô tô là một xe máy của hai vợ chồng đang chạy tốc độ cao, chở hai bên hai sọt hàng to đùng. Do đường vắng, tôi quyết định nhấn ga vượt qua chiếc xe máy. Đây là trường hợp rất đỗi bình thường, ai cũng xử trí được. Nhưng hôm đó, do không đủ tỉnh táo, tôi đã nhận định sai tình huống. Hậu quả, vè bên phải ô tô đã chạm trúng đầu thanh gỗ buộc hai giỏ hàng khiến chiếc xe máy chao đảo một đoạn rồi đổ sầm xuống đường. May mắn là xe tôi không cán qua người nào.

Khi tôi xuống xe, người đàn ông cầm lái nhăn nhó ôm ngực, lóp ngóp cố ngồi dậy. Còn người phụ nữ nằm bất động. Khi tỉnh dậy, chị ta nức nở: “Chú ơi, vợ chồng tôi tảo tần vì phải nuôi năm miệng ăn!”. Hình ảnh đó cứ theo tôi mãi sau này. Chỉ vì một cơn buồn bực của người cầm lái, năm em bé đã suýt thành trẻ mồ côi…

Những điều ít biết về TNGT - Bài 3: Tâm bất an dễ gây tai nạn ảnh 1

Trưa 5-12, trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình, xe buýt 53N - 4775 đã cán chết anh Hồ Đắc Hưng (20 tuổi) đang chạy xe máy sát lề đường. Ảnh: XUÂN NGỌC

Tai nạn được dự báo trước

Chắc nhiều người vẫn chưa quên vụ tai nạn ô tô thảm khốc xảy ra ngày 13-10-2006 trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Trên ô tô có 13 người thì 12 người tử nạn tại chỗ. Ngoài tài xế, các nạn nhân còn lại đều là cán bộ UBND phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân cơ học do xe 16 chỗ 53M-5009 chạy tốc độ cao không làm chủ tay lái đã đâm trực diện vào xe 50 chỗ lưu thông ngược lại.

Thực tế là vậy nhưng những người bạn của tài xế tử nạn (anh Bo) đã linh cảm sự việc này sớm muộn gì cũng xảy ra. Đó là bởi từ mấy tháng nay, Bo luôn phiền muộn vì chuyện cơm không lành canh không ngọt trong tổ ấm của mình. Từ một tài xế vui tính, Bo trở nên trầm mặc, sống thu mình lại. “Trước khi xảy ra tai nạn, mỗi lần về nhà là anh ấy tự nhốt mình trong phòng. Nghe nói ngay trước giây phút định mệnh đó, anh ấy có nói chuyện qua điện thoại với ai đó rất căng thẳng…” - em gái của Bo thổ lộ với tôi.



Tài xế ô tô, nhất là những người chạy đường dài, khi ra đường luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó lường. Chỉ cần 1 giây sơ sểnh, cái giá phải trả là rất đắt. Do vậy cần phải gạt bỏ mọi phiền muộn qua một bên để tập trung cầm lái, hoặc tạm thời nghỉ chạy. Những người liên quan (chủ xe, người thân…) cũng nên hiểu điều này để hành xử đúng mức, đặc biệt đừng báo tin buồn, tin dễ kích động cho tài xế khi họ đang cầm lái. Như vậy mới mong hạn chế được đau thương cho xã hội.

Không giữ được bình tĩnh, đừng cầm lái

Suốt hơn năm năm lái xe khách, tôi chưa gây ra một vụ va quẹt nào. Nhưng đầu năm rồi, khi từ Sài Gòn về Nam Định, tôi đã gây tai nạn nghiêm trọng làm chết một người, nhiều người bị thương và bị phạt tù sáu tháng. Số là hôm đó, khi đang lái xe tôi bất ngờ nhận được tin một người thân trong gia đình bị bệnh nặng phải nhập viện. Thế là tôi bị phân tâm, nôn nóng về nhà...

Tài xế cũng là con người nên cũng có tình cảm vui buồn. Tuy nhiên, một khi đã ngồi sau tay lái thì phải giữ được cái đầu lạnh, không để bị chi phối bởi các yếu tố khác. Còn nếu không làm được như vậy thì đừng nên cầm lái vì nguy cơ gây tai nạn là rất cao.

Tài xế VŨ VĂN ĐỊNH,thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, Nam Định

Mất trăm triệu đồng vì một cơn nóng giận

Mới đây, do để cơn nóng giận chi phối khi lái xe, tôi phải tốn cả trăm triệu đồng. Hôm đó, tôi đi làm trong tâm trạng bực bội do bị vợ cằn nhằn, nói nhiều câu khó nghe. Tới bãi xe, tôi càng bực bội thêm do phải đợi gần 1 tiếng mới đi cẩu hàng được do người phụ xe đến trễ mà không báo.

Không kìm được cơn giận, lúc đang lái xe tôi quay sang chửi rủa người phụ xe. Bất ngờ lúc đó có một người điều khiển xe máy chạy lấn tuyến với tốc độ cao, tôi giật mình bẻ lái sang phải. Cú bẻ lái gấp đó khiến chiếc xe cẩu ba tấn cắt ngang làn xe hai bánh đang lưu thông rồi đâm vào trụ điện trên đường. May mà sự cố chỉ làm hư hại ba chiếc xe máy, xe cẩu bị hỏng nặng phần đầu và tôi chỉ phải đền tiền sửa xe. Nếu có tai nạn chết người thì giờ này chắc tôi còn đang ngồi tù.

Anh NGUYỄN VĂN KHÁNH, lái xe cẩu cho một bãi xe
ở phường 15, quận Tân Bình

M.HIẾU ghi

TRẦN KIÊM HẠ (*)

(*) Tác giả Trần Kiêm Hạ là một tài xế chuyên nghiệp. Anh là tác giả tập sách Cuộc đời sau tay lái (NXB Giao thông Vận tải) vừa ra mắt trong dịp sơ kết cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự giao thông” (tháng 8-2012).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm