Những điều doanh nghiệp cần chuẩn bị khi TP.HCM dần mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đến nay dù vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoàn toàn, nhưng tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực khi số ca tử vong đã có xu hướng giảm trong suốt tháng qua. Như lãnh đạo TP nhận xét, đa số các địa phương chưa đạt cho nên TP.HCM cần phấn đấu tiếp tục thực hiện giãn cách. Dù vậy, TP cũng đã chủ động “chia nhóm” địa phương, doanh nghiệp (DN) để có các biện pháp “mở phải an toàn, an toàn đến đâu thì mở đến đó”.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Nhật Quang (Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm ITP, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định TP cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ DN kịp thời; đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm thế để thích nghi với môi trường mới – đặc biệt là khi TP chuyển từ mục tiêu “zero covid” sang mục tiêu “sống chung với SARS-CoV-2 một cách an toàn”.

Nhà nước tạo điều kiện

. Phóng viên: Để mở cửa trở lại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh gia đình gặp khó khăn sau nhiều tháng giãn cách phải ngừng hoặc thu nhỏ quy mô sản xuất, kinh doanh, chính quyền TP và Nhà nước nên có hỗ trợ như thế nào?

+ Ông Lê Nhật Quang: Theo nghiên cứu của tác giả Edwin Oche trong bài báo về “DN khởi nghiệp và COVID -19, thách thức và cơ hội trường hợp ở Anh năm 2020”, cho rằng các DN nhỏ cần sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ để giúp DN duy trì hoạt động. Các hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ tài chính nhằm giúp DN nhỏ giải quyết vấn đề chi phí khi mà nguồn thu nhập bị gián đoạn; chính sách hỗ trợ DN duy trì tiền lương trong giai đoạn phải ngừng hoạt động.

Việc hỗ trợ nói trên, thông qua các khoản vay của chính phủ, tiền mặt trợ cấp của địa phương; hoãn thuế và chính sách hỗ trợ thu nhập. Việc hỗ trợ nên được thực hiện nhanh chóng và không điều kiện. Đây cũng là những ý hay mà TP và Nhà nước cần tham khảo trong việc đưa ra các chương trình hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ kinh doanh cá thể.

. Rõ ràng trong tương lai, ngoài vaccine và năng lực điều trị thì với việc bất định của các biến thể virus, thì giãn cách xã hội cũng sẽ là kịch bản khả dĩ để nhà nước đảm bảo mục tiêu bảo vệ mạng sống cho người dân. Nhà nước nên có các khung chính sách hỗ trợ như thế nào cho DN trong bối cảnh đó?

+ Như đã nêu ở trên, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời, chủ yếu là về mặt tài chính. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là có những chính sách, quyết định dựa trên dữ liệu lớn (big data) nhằm giúp DN hoạt động thông suốt trở lại trong điều kiện an toàn với virus SARS-CoV-2. Các DN cần được tạo điều kiện để cam kết thực hiện hoạt động sản xuất theo quy tắc phòng dịch; ứng dụng công nghệ vào việc quản lý điều hành. Nhà nước và TP cũng cần có kênh cung cấp thông tin thống nhất, rõ ràng liên quan chính sách, tình hình dịch bệnh cho từng khu vực trên địa phương và vùng lân cận, hạn chế việc giãn cách trên diện rộng.

Nhân viên "Cửa hàng tự động ,thanh toán không tiếp xúc" sắp xếp thực phẩm trước khi đón khách. Ảnh: NGUYỆT NHI

Doanh nghiệp phải chủ động

. Ở trạng thái bình thường mới, các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng khung đánh giá mức độ dịch bệnh từ cấp độ 0 đến 5 (theo gợi ý WHO), biểu thị từ an toàn đến cực kỳ nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, bản thân các DN hiện nay cần có sự chuẩn bị như thế nào để quay lại đời sống sản xuất, kinh doanh?

+ DN cần phải hiểu rõ tình trạng của dịch bệnh thông qua kênh thông tin chi tiết, rõ ràng của nhà nước, địa phương. Họ cũng cần chủ động ứng dụng mạnh các công cụ công nghệ có sẵn, dễ dùng, thậm chí là miễn phí để phục vụ cho việc quản lý, điều hành.

Theo tờ Public Health England (2021), khoảng 29% doanh nhân có triệu chứng rối loạn tâm thần chung (CMD). Nghiên cứu của Smith (2021) đã tìm thấy 42% doanh nhân không có CMD một năm trước đó lại mắc chứng bệnh này khi dịch xảy ra. Mental Health UK (2021) xác nhận rằng các yếu tố gây căng thẳng liên quan đến việc mất nhân công, vấn đề tiền bạc và hoạt động kinh doanh chậm. Vì vậy đối với doanh nhân họ cũng cần phải sốc lại tinh thần, vì sức khỏe tinh thần là cực kỳ quan trọng để DN có thể bắt nhịp vào chu trình kinh doanh mới mới.

. Cũng với các kịch bản dịch bệnh như vậy, các DN mới bắt đầu khởi nghiệp hoặc có kế hoạch khởi nghiệp cần phải chuẩn bị tâm thế và hành trang như thế nào để thích ứng với môi trường kinh doanh cũng như đời sống xã hội trong tương lai?

+ Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 cũng mang lại sự thay đổi tích cực, những đổi mới về cách vận hành DN. Ví dụ, những doanh nhân (theo nghiên cứu bởi Kiem, 2021) nói rằng những công việc, nhiệm vụ hiện nay được thực hiện hoàn toàn từ xa và mang lại hiệu quả, năng suất hơn. Cũng theo nghiên cứu này, 63% các chủ DN nhỏ có thể giảm tới 45% chi phí vận hành nhờ vào việc áp dụng các công nghệ để làm việc từ xa.

Đối với các DN khởi nghiệp, họ sẽ thấy được những hạn chế và thách thức từ những mô hình kinh doanh cũ. Vì vậy, họ chủ động hơn trong việc đưa ra các giải pháp mới nhằm ứng phó với điều kiện môi trường thay đổi nhanh chóng. Họ cũng sẽ hình dung ra các kịch bản xấu nhất nếu xã hội bị giản cách.

Bên cạnh đó, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC), vẫn đang sẵn sàng cho câu chuyện hỗ trợ các DN khởi nghiệp thông qua hệ thống các chương trình hỗ trợ.

Siêu thị “dã chiến” này được chuyển đổi công năng từ Trung tâm Văn hóa quận 5 với khuôn viên rộng gần 4,7 ha, đảm bảo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối thực phẩm cho người đi chợ hộ trong khu vực. Ảnh: NGUYỆT NHI

. Nhiều người thường nói “trong nguy có cơ” để hàm ý ngay cả trong đại dịch cũng sẽ xuất hiện những cơ hội để các DN chuyển mình và phát triển, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đầu tư mới. Liệu đại dịch này có tạo ra động lực và cơ hội cho các DN không, và nếu có thì cụ thể ra sao?

+ Đúng vậy, lúc nào cũng có cơ hội xuất hiện trong những tình huống nguy hiểm. Những nền tảng công nghệ mà không phụ thuộc vào tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Những hoạt động máy móc có thể thay thế hoạt động của con người. Lĩnh vực sức khỏe, công nghệ sinh học… Tất cả đều là những lĩnh vực có cơ hội phát triển mạnh trong thời gian sắp tới. Tuy vậy, nếu xác định virus SARS-CoV-2 là một bệnh tồn tại thông thường mới, thì các hoạt động trong những lĩnh vực truyền thống vẫn có khả năng từng bước sẽ tăng trưởng trở lại dù có thể chậm.

. Xin cám ơn ông.

Cần xếp bậc ưu tiên các ngành kinh tế khi bình thường mới

Bình thường mới sẽ có sự tồn tại của SARS-CoV-2. Vì vậy, rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã đưa ra những nguyên tắc chung để điều chỉnh hoạt động cho DN và hành vi của người lao động trong mọi trạng thái, từ an toàn đến nguy hiểm – khi cấp độ dịch bệnh gia tăng đến mức báo động đỏ. Theo đó, tất cả người lao động đến chủ DN phải chủ động 5K ở các không gian đông người, kín.

Ngoài ra, tùy đặc thù của từng thành phố, khu vực mà họ có bảng ưu tiên về mức độ, quy mô hoạt động của các ngành kinh tế trong từng trạng thái. Có thể khái quát một số điểm chung: Thứ nhất, các dịch vụ thiết yếu, thức ăn, thực phẩm, chuỗi cung ứng, shipper thường không bị hạn chế hoặc rất hiếm khi bị hạn chế trong mọi trường hợp chính quyền buộc phải áp dụng giãn cách. Tất nhiên, họ phải hoạt động có điều kiện, như tuân thủ 5K, xét nghiệm định kỳ, tuân thủ quy trình khi bị nhiễm bệnh, ứng dụng công nghệ kiểm soát hành vi…

Trong khi đó, các nhóm hoạt động sản xuất, công sở, trường học thì có thể giảm dần quy mô (cấp độ càng cao thì giảm quy mô người làm xuống càng thấp); các ngành, nghề chuyển sang làm việc tại nhà, các trường học dạy trực tuyến nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp. Các cơ quan công sở, trường học cũng tính toán thiết kế lại không gian, môi trường làm việc để hạn chế tiếp xúc, ví dụ bố trí lại bàn ghế, bố cục chỗ ngồi, áp dụng công nghệ giảm làm việc bằng giấy,…

Đối với các chương trình hội họp, lễ hội, tụ tập đông người thì nhà nước yêu cầu ban tổ chức phải lên các phương án đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong những ngày tình hình an toàn, tức là tổ chức phải đi kèm các điều kiện phòng, chống dịch; khi tình hình dịch tăng cấp độ thì giảm quy mô người tham dự dần và cao nhất là nghiêm cấm tổ chức.

Đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí (karaoke, vũ trường, bar, games, cà phê…) thì trong điều kiện an toàn dịch bệnh sẽ được mở nhưng đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch; nhưng nhà nước sẽ giới hạn thời gian hoạt động theo cấp độ dịch và sẽ cấm khi tình hình dịch bệnh căng thẳng. TVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm