Những cuộc vượt ngục hiếm hoi của tử tù

Lấy dao lam cưa cùm sắt rồi vượt ngục

“Thành tích” này là của tay giang hồ Phước “tám ngón”. Phước được biết đến là người duy nhất đào thoát được khỏi trại giam Chí Hòa từ sau năm 1975 cho đến nay. 

"Lò bát quái" Chí Hòa ghi dấu cuộc vượt ngục của tử tù Phước "tám ngón. Ảnh: TL

Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1971, tại Dĩ An, Bình Dương). Xuất thân từ gia đình nghèo, Phước đi bụi, chơi cờ bạc, trộm cướp rồi giết người.

Từ năm 1990, băng cướp của Phước “tám ngón” hoành hành từ Đồng Nai lên TP.HCM. Chúng manh động, sử dụng súng bắn người đi đường để cướp tài sản, CA TP.HCM phải lập chuyên án mới triệt phá được băng cướp này. Sang giữa năm 1994, Phước bị tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình về các tội giết người và cướp tài sản.

Phước "tám ngón" cưa cùm bằng lưỡi dao lam rồi trốn thoát. Ảnh: TL

Cũng giống như các tử tù khác, Phước bị đưa về khám Chí Hòa biệt giam trong buồng số 15. Trong tù, Phước bị còng một chân bằng cùm sắt phi 10, hình chữ U. Phước chưa lúc nào từ bỏ ý định vượt ngục. Tám tháng sau Phước lên ý tưởng cho “hành trình” của mình, gã xin của một phạm nhân khác một mảnh dao lam và hộp quẹt rồi giấu vào lỗ hổng trong vách tường rồi dán giấy báo đè lên.

Với mảnh dao lam, gã bẻ đôi và dùng chúng để cưa đứt cùm chân của mình. May mắn cho gã, lưỡi dao mỏng nên không phát ra tiếng động, gã say sưa cưa cùm ngày này sang ngày khác. Cuối cùng sau hàng trăm ngày, Phước đã cưa đứt cùm sắt. Nhưng để tránh bị phát hiện, Phước lấy vải quấn xung quanh vết cưa, dùng hộp quẹt đốt vải cho nhựa chảy ra phủ kín lên trên.

Đến đêm 26-3-1995, Phước “tám ngón” chui vào nhà vệ sinh. Tại đây, Phước với lấy chiếc khoen sắt tròn ở khung cửa nhà vệ sinh uốn lại thành một thanh sắt thẳng. Gã dùng thanh sắt nhỏ này làm chiếc dùi để khoét vách tường thành một lỗ hổng vừa đủ lọt người qua. Số xi măng, cát vụn khoét từ tường ra, Phước trút vào bồn vệ sinh rồi đổ nước cho trôi đi.

Số gạch thì hắn bê vào trong chỗ ngủ, xếp thành hình người đang nằm rồi đắp kín mền để ngụy trang. Xong xuôi, Phước khom người luồn qua lỗ hổng để chui ra phía cầu thang lầu bên ngoài buồng giam số 15, rồi men theo cầu thang xuống dưới. Khi nghe thấy tiếng bước chân tuần tra đêm của cán bộ quản giáo, Phước bèn leo cầu thang ngược trở lên nóc nhà rồi cứ thế đi trên nóc nhà để sang khu AH.

Đến đây, Phước cởi phăng quần áo tù nhân đang mặc để nối lại thành một sợi dây rồi cột một đầu vào kèo nhà, đầu kia thả để đu theo dây mà xuống đất.

Đang đu xuống thì dây đứt, hắn té ngất lịm đến hơn một tiếng sau mới tỉnh rồi nén đau leo lên cây cột điện gần đó để leo qua hàng rào qua khu tập thể của cán bộ quản giáo. Trốn đến tờ mờ sáng, Phước lẻn vào trong sân, lén lấy bộ đồ cảnh sát đang phơi rồi mặc vào người, và lấy trộm thêm chiếc xe đạp và đôi dép. Đầy đủ phụ kiện, Phước “tám ngón” đàng hoàng dắt xe ra khỏi cổng trại giam Chí Hòa. Đến tháng 10-1995, Phước mới bị bắt trở lại và bị hành hình sau đó.

Sẩy chân là vượt ngục 

Ngoài Phước "tám ngón" là tử tù duy nhất vượt ngục Chí Hòa, "lò bát quái" này cũng điểm mặt nhiều phạm nhân khác với "thành tích" nhiều lần trốn trại.

Trong đó, trước thời của tay Phước “tám ngón”, giới giang hồ còn biết đến Điền Khắc Kim tên thật là Lê Văn Minh (sinh năm 1947, tại Sài Gòn). Tuy không phải tử tù như Phước nhưng Kim cũng đã tốn rất nhiều công sức với nhiều lần vượt ngục.

Điền Khắc Kim được giới giang hồ biết đến khi nhiều lần vượt ngục thành công. Ảnh: TL

Mang lòng hận thù vì người yêu bị lính Mỹ cưỡng bức đến chết rồi quăng xác ra đường, Điền Khắc Kim nhiều lần đột nhập dinh thự của quan chức Mỹ để cướp của, cưỡng bức vợ của lính Mỹ. Tháng 5-1970, gã đột nhập vào nhà Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) thì bị bắt, nhận án 20 năm tù ở trại giam Chí Hòa. Trong khám Chí Hòa, gã lên kế hoạch vượt ngục dưới sự hỗ trợ của những tên đại bàng cộm cán.

Theo quy chế của trại giam Chí Hòa lúc đó, mỗi tối cuối tuần sẽ có chiếu phim cho phạm nhân khu hỏa thực giải trí sau một tuần lao động vất vả để phục vụ cơm nước cho phạm nhân. Đến đêm 23-4-1972, lợi dụng lúc mọi người đang xem phim, hắn lẻn ra chỗ chiếc xe Jeep của viên trung tá cai ngục đang đậu ở ngoài rồi cuối xuống, bám vào gầm xe. Lát sau, viên trung tá cai ngục ra lên xe nổ máy rời khỏi trại thì hắn tuyệt nhiên được ra ngoài.

Thời đó, Điền Khắc Kim là cái tên tốn nhiều giấy mực nhất. Ảnh: TL.

Cùng lúc này, phạm nhân trong trại bạo động, la ó, đòi cải tiến chế độ ăn uống. Toàn bộ binh sĩ trực gác đổ về hiện trường lo giải quyết sự cố bất ngờ. Viên trung tá cai ngục nói trên cũng bỏ xe bên ngoài chạy vào dẹp loạn, còn Điền Khắc Kim phóng xuống đất, tẩu thoát.

Sau khi trốn trại, ngựa quen đường cũ, Điền Khắc Kim tiếp tục cướp bóc rồi lại bị bắt giam vào Trung tâm cải huấn Gia Định, Côn Đảo rồi đưa về trại cải tạo ở Vị Thanh (Hậu Giang). Ở đây, hắn lại lại làm nên kì tích khi nhiều lần vượt ngục. Mãi đến tháng 9-1985, sau một vụ cướp tại chân cầu chữ Y thì gãi bị CA TP.HCM bắt và lần nữa hắn bị tống vào trại giam Chí Hòa.

Sau vài lần vượt ngục nhưng bất thành, Điền Khắc Kim lừng lẫy một thời chấp nhận cuộc sống tù đày đến ngày trút hơi thở cuối cùng vì bệnh tật, già yếu.

Hai tử tù và cuộc đào thoát khỏi Hỏa Lò

Nhắc đến tử tù vượt ngục, không khỏi không nhắc đến hai tử tù Thân “rau muống” và Nam “Cu chính” được giam chung trong buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò (TP.Hà Nội).

Thân “rau muống” có tên thật là Nguyễn Văn Thân, quê ở thôn Trung Hà, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội.

Năm 1992, Thân tham gia một vụ giết người tại Mộc Châu, bị Công an tỉnh Sơn La truy nã, Thân chạy ra Hà Nội sống lang thang, làm thuê cuốc mướn. Đêm ngày 24-4-1995, Thân đánh bạc cùng tốp công nhân được thuê đào đường chôn dây điện thoại ở khu vực phường Hạ Đình, Thanh Xuân thì Thân cũng đồng bọn đâm chết người.

Gây án xong, Thân bỏ trốn vào Nam và lại đâm chết người. Với “thành tích” nêu trên, đến tháng 2-2000, TAND Hà Nội đã tuyên phạt hắn mức án tử hình và đưa vào giam tại buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới.

Vào đây, hắn bầu bạn với Nam “Cu chính” (tên thật là Nguyễn Hải Nam, quê Hà Nội). Nam. Trước khi bạn mới vào, Thân đã chuẩn bị nhiều dụng cụ để mài cùm và cưa cửa. Trong đó, phải kể đến chiếc dũa được tạo bởi 10 bánh xe bật lửa buộc ghép lại, dao lam, mẩu gạch men vỡ có mặt dưới là xi măng cát vàng để tạo độ ma sát, một mẩu gương nhỏ để có thể nhìn thấy người đến gần buồng giam… Thấy Nam vào chung phòng nên Thân rủ Nam trốn cùng.

Hai gã này đã ngày ngày mài cùm, cưa được một một lỗ hổng ở cửa thông gió, vừa đủ để người chui ra đủ chui qua ở cửa thông gió; đồng thời bọn này cũng chuẩn bị sẵn dây thừng để leo qua tường rào trốn thoát.

Đến ngày 27-10-2001, Thân và Nam “bùng” khỏi nhà giam với mớ “đồ nghề” mà họ đã chuẩn bị, chạy thoát ra đến đường 70, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.

Phát hiện hai tử tù vượt ngục, Công an TP.Hà Nội đã thành lập chuyên án với hơn 500 cán bộ chiến sĩ lần theo manh mối để lại để bắt được hai tử tù về quy án trong 17 ngày.

Công an TP Hà Nội đang phối hợp với nhiều đơn vị của Bộ Công an truy bắt hai tử tù Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, trú tại Quốc Oai, Hà Nội) và Lê Văn Thọ (37 tuổi, trú tại Thanh Hà, Hải Dương) trốn khỏi phòng biệt giam của trại tạm giam T16 (Thanh Oai, Hà Nội).

Đây là sự kiện hi hữu vì hai tử tù bị biệt giam với chân bị cùm, phòng giam có gắn camera nhưng hai người này đã vượt ngục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm