Những con đường cần tránh khi mưa lớn

Theo khảo sát của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập), các dự án cải thiện môi trường nước, chống ngập cho TP đang thi công đã làm... phát sinh nhiều điểm ngập mới. Cụ thể, trong quá trình thi công các công trình này đã tạo ra nhiều điểm ngăn dòng chảy khiến nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư bị ngập nặng trong những cơn mưa đầu mùa.

Ngập nặng do vướng đủ thứ

Cuối tháng 5, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP phải chấn chỉnh tình hình thi công làm phát sinh 39 điểm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập nước trong khu vực dự án. Cụ thể hơn, ông Lê Hoàng Quân yêu cầu ban quản lý dự án phải sớm hoàn thành việc đấu nối các đoạn cống của dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với hệ thống thoát nước của đại lộ Đông Tây để giảm ngập cho khu vực.

Tuy đã có chỉ đạo của UBND TP nhưng đến nay việc đấu nối vẫn chưa được thực hiện do ban quản lý dự án vẫn đang đàm phán với nhà thầu (vì đây là những hạng mục phát sinh). Đơn cử, đoạn cống trên đường Mạc Cửu chỉ còn 16 m nữa là kết nối được vào đại lộ Đông Tây nhưng chưa thể thi công tiếp vì vướng các thủ tục. Theo Trung tâm Chống ngập, nếu đoạn cống này không hoàn thành sớm, năm tuyến đường xung quanh gồm Thuận Kiều, Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Lê Đại Hành và Ba Tháng Hai sẽ bị ngập nặng khi trời mưa lớn. Những đoạn cống nối dài 20-30 m trên các đường Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu cũng chịu chung cảnh ngộ nên 19 tuyến đường liền kề như Sư Vạn Hạnh, Trần Phú, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Cao Đạt, Nguyễn Trãi… rất dễ bị ngập khi có mưa.

Những con đường cần tránh khi mưa lớn ảnh 1

Cơn mưa chiều 1-7 khiến ngã ba Trường Chinh - Ấp Bắc (quận Tân Bình) ngập nặng. Ảnh: V.THUẬT

Trong khi đó, do vướng đường ống cấp nước nên nhiều tháng qua đoạn cống đấu nối qua ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) không thể tiếp tục thi công. Ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thông tin: “Phía nhà thầu cho biết đã chuyển kinh phí cho Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa nhưng vẫn chưa thấy chi nhánh này di dời đường ống”. Theo Trung tâm Chống ngập, khi vào mùa mưa mà điểm này chưa thi công xong, các đường Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh sẽ có thể bị ngập nặng. Điều này đã được chứng minh sau cơn mưa lớn chiều 1-7.

Chống ngập bằng các giải pháp tạm thời

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Chống ngập, cho biết trung tâm sẽ có văn bản trình UBND TP các phương án chống ngập cục bộ tại từng khu vực.

Ông Long đưa ra ví dụ: Trong mùa mưa 2009, khu vực Bàu Cát (phường 10, 11 và 14, quận Tân Bình) không còn bị ngập nhờ đường cống dọc kênh Tân Hóa đã làm xong. Nhưng những ngày qua, do nhà thầu đóng cừ ngăn dòng chảy của kênh Tân Hóa để thi công cửa xả trên đường Âu Cơ nên khu vực này lại bị tái ngập mỗi khi mưa lớn. Do đó, nếu thời gian thi công cửa xả tại kênh Tân Hóa trên đường Âu Cơ tiếp tục kéo dài, cần ngưng thi công cửa xả này để nước từ khu vực Bàu Cát chảy thẳng ra kênh nhằm chống ngập cho khu tam giác Lạc Long Quân - Trường Chinh - Âu Cơ (quận Tân Bình).

Biện pháp trên đã được Trung tâm Chống ngập áp dụng thành công tại đường Kỳ Đồng (quận 3), khu vực bị ngập nặng trong những cơn mưa đầu tháng 6. Khi khảo sát tình hình, Trung tâm Chống ngập phát hiện nguyên nhân gây ngập do cửa xả ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đấu nối xong vào tuyến cống bao để dẫn nước về trạm bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng do hệ thống thoát nước này chưa vận hành nên khi có mưa, nước trong khu vực Kỳ Đồng không có đường thoát và xảy ra ngập. Ngày 30-6, Trung tâm Chống ngập cho tháo dỡ cửa xả và thực tế cho thấy cơn mưa ngày 1-7 không còn gây ngập ở đây.

Ông Đặng Ngọc Hồi, Trưởng phân Ban Quản lý dự án môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, cho biết thêm: Vừa qua, nhà thầu đã phải đấu nối đoạn cống mới trên đường Trần Bình Trọng vào đường cống cũ để chống ngập. Hiện đường cống thoát nước mưa trong dự án này đã lắp đặt xong 9,5 km, 500 m còn lại và những điểm phát sinh sẽ được thi công xong vào cuối năm nay. Theo ông Long, đấu nối vào đường cống cũ để nước tiếp tục thoát trong thời gian chờ giải quyết vướng mắc là cách giải quyết trước mắt hiệu quả nhất đối với các công trình đang bị vướng.

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm