Nhiều tỉnh bị điểm 0 về phòng, chống tham nhũng

Ngày 20-4, Thanh tra Chính phủ công khai báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018. Đây là lần thứ ba liên tiếp Thanh tra Chính phủ có báo cáo đánh giá tương tự tại Việt Nam (trước đó là năm 2016 và 2017).

Theo Thanh tra Chính phủ, phạm vi đánh giá được thực hiện trong thời kỳ từ ngày 16-12-2017 đến 15-12-2018. Bộ chỉ số được xây dựng với bốn phần chính, tương ứng với 52 chỉ số thành phần, có thang điểm là 100.

Điểm số về công tác phòng, chống tham nhũng của các tỉnh, thành năm 2018. Nguồn: TTCP

Có tham nhũng nhưng điểm xử lý lại bằng 0

Báo cáo cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 60% yêu cầu, điểm trung bình toàn quốc là 59.575/100; cần được quan tâm, chỉ đạo tích cực hơn nữa.

Trong đó, tỉnh đạt điểm cao nhất là 80.37 (tỉnh Nam Định), tỉnh đạt điểm thấp nhất là 32.16 (tỉnh Ninh Thuận), khoảng cách chênh lệch lớn nhất là 48.21 điểm. Điều này thể hiện công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa nhau.

Đi vào một số chỉ số cụ thể, kết quả phát hiện tham nhũng năm 2018 của các tỉnh đạt 9.8463/25 điểm, thấp hơn so với hai năm liền trước đó. Đáng ngại là có địa phương đạt 0 điểm ở nội dung này.

Đáng chú ý, kết quả xử lý tham nhũng đạt 14.57/25 điểm, tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, có hai tỉnh bị chấm điểm 0 cho chỉ số này là Ninh Thuận và Tuyên Quang, mặc dù Ninh Thuận vẫn có điểm phát hiện tham nhũng.

Cũng trong năm 2018, bên cạnh những địa phương đạt điểm tối đa về công tác thanh tra thì vẫn còn nhiều tỉnh làm chưa tốt, ban hành kế hoạch thanh tra chậm so với quy định, không phát hiện sai phạm cũng như không có kiến nghị thay đổi chính sách pháp luật từ các cuộc thanh tra.

Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng tỉ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về tiếp công dân, một số địa phương đạt điểm thấp, cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện chưa tốt, thậm chí có tỉnh không cung cấp được dữ liệu về chủ tịch UBND tỉnh, TP tiếp dân trong năm. Trong năm 2018, có tới 17 lãnh đạo tỉnh tiếp công dân ít hơn năm lần/12 tháng (chưa đạt 50% so với yêu cầu).

“Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt ở một số địa phương” - báo cáo nêu rõ.

Minh bạch về công tác cán bộ là kém nhất

Cũng theo báo cáo, điểm trung bình toàn quốc ở nội dung công khai, minh bạch là 6.9/9 điểm. Có 24 tỉnh đạt điểm tuyệt đối (9/9), năm tỉnh thực hiện việc công khai, minh bạch kém, những tỉnh này hầu như không thực hiện việc công khai, minh bạch trong năm 2018 trong công tác quản lý nhà nước.

Phân bố điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. Nguồn: TTCP

Đặc biệt, chỉ số công khai, minh bạch trong công tác cán bộ được đánh giá là kém nhất, chỉ đạt 1.046/1.5 (69.73%) so với yêu cầu. Trong đó có tới 11 tỉnh đạt 0/1.5 điểm về công khai, minh bạch về công tác cán bộ.

Một số địa phương thực hiện công khai nhưng còn mang tính hình thức, còn khó tiếp cận các văn bản có liên quan đến công tác cán bộ khi có nhu cầu thi tuyển, những người có liên quan chỉ biết khi "công bố quyết định” đến cán bộ.

Việc kê khai, công khai, xác minh tài sản minh bạch đã dần đi vào nề nếp ở các địa phương, với điểm số trung bình toàn quốc là 1.78/5.0, đạt 35.6% so với yêu cầu.

Tuy nhiên, nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả. Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

“Nếu địa phương chủ động trong công tác xác minh tài sản thu nhập thì việc phát hiện những sai phạm trong minh bạch tài sản, thu nhập sẽ tăng hiệu quả của biện pháp này trong phòng ngừa tham nhũng” - báo cáo nhấn mạnh.

Tài sản thu hồi do tham nhũng còn thấp

Một chỉ số quan trọng khác là việc phát hiện các hành vi tham nhũng, điểm trung bình toàn quốc mới chỉ đạt 39,384% so với yêu cầu (tương ứng 9.846/25 điểm). Kết quả này thấp hơn so với cả hai năm 2017 và 2016.

“Xu hướng giảm dần này đi ngược với nỗ lực của công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước” - báo cáo nhận định.

Phân tích cụ thể, báo cáo chỉ rõ địa phương có số điểm cao nhất ở nội dung này là Long An, đạt 23,06/25 điểm, tương đương 92,24%. Trong khi đó, Tuyên Quang  đạt điểm số thấp nhất khi không có điểm nào. Điều này đặt ra một số yêu cầu về chất lượng phát hiện các hành vi tham nhũng cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát còn thấp, vẫn có tới 37 địa phương đạt điểm 0, tức là không phát hiện được tham nhũng trong việc kiểm tra nội bộ. Kết quả phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu thông qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Tương tự, tại nội dung phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, có 6/63 tỉnh, TP đạt điểm tối đa trong khi có tới 16/63 tỉnh, thành không phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra.

Cũng theo báo cáo, dù số vụ xử lý hình sự về phòng, chống tham nhũng có tăng nhưng tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2018 có xu hướng giảm nhẹ. Có ba tỉnh không có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng (Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tuyên Quang).

Trên bình diện cả nước, đa số các tỉnh có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình; việc thu hồi đất đai do hành vi tham nhũng vẫn duy trì ở mức thấp.

Thực tế này chỉ ra việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra vẫn rất khó khăn, nỗ lực trong các năm qua của các địa phương trong cả nước chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng. 

50 người đứng đầu đã bị xử lý

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó năm người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, sáu người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm