Nhiều quy định vô lý được “luật hóa” tại dự án Luật Xây dựng

- TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận xét trong buổi góp ý dự án luật này vào ngày 18-10.

Phó Giám đốc Sở QH&KT Nguyễn Thanh Toàn viện dẫn: Dự thảo Luật Xây dựng vẫn tiếp tục đưa quy định phải có quy hoạch chi tiết 1/500 để cấp phép xây dựng như NĐ 64/2012, trong khi điều khoản này không thể khả thi. “Cả TP chạy trối chết mới có thể hoàn thành phủ kín quy hoạch 1/2.000. Còn quy hoạch 1/500 xưa nay chỉ làm cho dự án, do chủ đầu tư thực hiện. Bây giờ yêu cầu cả TP phải có quy hoạch 1/500 là vừa lãng phí, vừa không thể làm nổi” - ông phân tích.

Ông Toàn cho biết trước đây 30 tỉnh, thành phía Nam đã phản đối kịch liệt quy định này khi góp ý cho dự thảo nhưng cuối cùng Nghị định 64 vẫn thông qua. Cùng đó, yêu cầu phải nộp bản vẽ thiết kế khi xin phép xây dựng cho công trình nhà ở trên 250 m2 chỉ có ý nghĩa để “cơ quan cấp phép nhìn thấy cho biết” là rất bất hợp lý (tại Nghị định 64) cũng được lặp lại tại dự thảo Luật Xây dựng.

Đại diện huyện Hóc Môn cho rằng quy định này chỉ có “tác dụng” là làm kho lưu trữ của quận, huyện chật thêm. “Nếu làm theo quy định này, với công trình 68 tầng tại quận 1 chắc phải chở cả xe tải bản vẽ cho cơ quan cấp phép” - ông Lịch góp ý thêm.

Ông Toàn cho hay dự thảo Luật có độ chênh với QĐ 21/2013 của UBND TP về cấp phép xây dựng. “Theo QĐ 21, những trường hợp được cấp phép tạm được bồi thường nếu sau năm năm kể từ thời điểm công bố, Nhà nước không thực hiện quy hoạch. Nhưng dự thảo Luật thì vẫn duy trì quy định nhà tạm phải tự tháo dỡ không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch” - ông Toàn lưu ý.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP, ông Lê Hoàng Châu chỉ thêm một bất hợp lý từ Nghị định 64 cũng được đưa vào dự thảo Luật Xây dựng lần này. Đó là quy định dự án đã có quy hoạch 1/500 cũng phải xin phép xây dựng, thay vì được miễn như trước khi có nghị định. “Chẳng hạn như dự án Him Lam ở quận 7, những trường hợp đã xây dựng trước Nghị định 64 thì không cần xin phép, giờ những căn sau muốn xây phải xin phép từng trường hợp một” - ông dẫn chứng.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm