Nhiều lo ngại cho bãi biển Nha Trang

Nhiều lo ngại cho bãi biển Nha Trang ảnh 1

Khu bãi biển Nha Trang thuộc khu bắc công viên Phù Đổng (tức khu trò chơi đu quay) đã được tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận cho doanh nghiệp lập dự án đào làm trung tâm thương mại và bãi đậu xe ngầm - Ảnh: Phan Sông Ngân

Ông Phạm Văn Chi (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):

Trước đây không có quy hoạch dự án ngầm ở bãi biển Nha Trang

Ông Lê Thanh Xuân (phó chủ tịch Hội ái mộ A.Yersin):

Vịnh và bờ biển Nha Trang là tài sản của nhân dân

Theo tôi, nếu nói các công trình ngầm xây dựng ở bãi biển Nha Trang sau khi hoàn thành sẽ trồng lại cây cỏ, trả lại môi trường xanh tự nhiên cho bờ biển thì đó là một cách ngụy biện thôi. Bởi chẳng ai có thể trồng những loại cây cổ thụ như dừa, phi lao, cây bàng trên nền bêtông cốt thép. Tôi cũng đồng tình với quan điểm là vịnh và bờ biển Nha Trang mãi mãi là tài sản của nhân dân. Vì vậy tôi hoàn toàn không đồng tình với việc mang bờ biển Nha Trang để đem chia lô, chặt khúc bán cho các công ty khai thác, thu lợi.

Thời tôi làm chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quy hoạch của tỉnh không có các dự án nhà hàng ngầm ở bãi biển Nha Trang mà chỉ mới có sau này. Từ năm 1996, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có quan điểm là không xây dựng công trình kiên cố và quá cao ở phía đông đường Trần Phú mà phải để cảnh quan tự nhiên, làm công viên phục vụ công cộng và phát triển du lịch. Đó cũng đồng thời là quan điểm của tôi.

 KTS Bùi Dũng (chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa):

Một số công trình không được mời phản biện

Với Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, có một số công trình tỉnh có thông báo mời chúng tôi phản biện. Nhưng cũng có một số công trình tỉnh không mời phản biện và chúng tôi không được biết. Hội đã có văn bản góp ý phản biện đối với thỏa thuận quy hoạch - kiến trúc công trình công viên Phù Đổng và công trình của khách sạn Nha Trang Plaza. Riêng hai dự án nhà hàng Bốn Mùa và công viên Nha Trang Sao thì cho đến nay chúng tôi không biết gì.

Để phục vụ việc phát triển du lịch thì tôi đồng ý chủ trương xây dựng nhà hàng ngầm. Tuy nhiên, khi đổ bêtông thì phải thấp hơn so với nền công viên 1,5m để đổ đất trồng cây, còn nếu đổ bêtông bằng nền công viên thì tôi phản đối hoàn toàn. Ngoài ra, khi làm xong phải trả lại nguyên trạng cây xanh ở công viên.

 KTS Nguyễn Ngọc Đà (phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc và xây dựng Khánh Hòa):

Khuất tầm nhìn ra biển thì coi như mất hết giá trị

Tôi lo lắng sau khi xây dựng xong nhà hàng ngầm thì những hàng dương tồn tại ở công viên từ trước giải phóng (1975) có trồng lại được không? Nhiều người khi đến Nha Trang thường nhớ đến hàng dương ở công viên Trần Phú bởi nó rất đặc biệt. Nếu đường Trần Phú không còn hàng dương đặc thù này và bị khuất tầm nhìn ra biển thì coi như mất hết giá trị.

 Ông Bùi Minh Thắng (giám đốc Công ty Victory Tour - kinh doanh du lịch tại Nha Trang):

Có trả được nguyên trạng công viên không?

Dưới góc độ người làm du lịch, tôi nghĩ làm nhà hàng ngầm với các dịch vụ vũ trường, quầy bar, karaoke... sẽ tốt, bởi hạn chế được tiếng ồn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Tôi đã đi nhiều nước tiên tiến và tôi thấy các nước khác tận dụng không gian rất tốt, đặc biệt là không gian ngầm. Tuy nhiên, có một số vấn đề tôi băn khoăn khi xây dựng nhà hàng ngầm bên bờ biển là việc chống thấm, chống ngập, chịu lực và đặc biệt là có trả lại được bề mặt công viên với hệ thống cây xanh như hiện trạng ban đầu hay không? Nếu làm được những việc đó thì tôi ủng hộ. Bởi du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, sẽ có thêm nhiều điểm vui chơi mới lạ ở Nha Trang.

 Nhà thơ Giang Nam (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa):

Không thể cắt khúc, phân mảnh bãi biển Nha Trang

Từ sáng sớm nay (17-1), tôi được một người bạn già ở TP.HCM gọi điện thông báo về bài báo “Bốn dự án ngầm dưới bãi biển Nha Trang” trên báo. Thật ra tôi cũng từng biết và dõi theo việc “đào xới” bờ biển Nha Trang một cách ồ ạt và quy mô này, nên tôi hoàn toàn đồng tình với việc báo Tuổi Trẻ đưa lên mặt báo về những dự án ngầm này.

Cũng như trước đây tôi từng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc triển khai cho xây các công trình khách sạn, nhà hàng cao tầng thành “tuyến đê” chắn mặt tiền hướng biển của thành phố biển Nha Trang. Tôi cũng không đồng tình xây dựng công trình “hoa biển” (nay đã được sửa lại thành tháp Trầm Hương) hay việc hoán đổi công trình văn hóa, như chủ trương chuyển Nhà bảo tàng tỉnh Khánh Hòa từ vị trí mặt tiền của thành phố để lấy đất nhà bảo tàng cho công trình kinh tế... Bởi những công trình đó đã và đang làm “trầy xước, sứt mẻ”, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên của thành phố biển Nha Trang, đặc biệt là đụng chạm một cách thô bạo vào danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, vốn đã được xếp là một trong các vịnh biển đẹp nhất thế giới. Vậy nên tôi rất không đồng tình với việc cấp phép cho các dự án triển khai đào xới để xây thêm những dự án ngầm dưới bờ biển Nha Trang hiện nay.

Có nhiều lý do để những công dân như tôi hoàn toàn không đồng tình với những dự án này. Trước hết, bờ biển Nha Trang vốn dĩ được biết đến bởi vẻ đẹp qua một không gian xanh, hài hòa về cảnh sắc thiên nhiên ban tặng. Do đó, khi xây dựng những dự án ngầm rộng hàng chục hecta đất dưới bờ biển thì nó sẽ phá vỡ từng mảng lớn cảnh quan môi trường tự nhiên của vịnh Nha Trang và không gian cả thành phố biển này. Thật sự đó là sự can thiệp một cách cưỡng bức.

Thứ hai, với tư cách công dân, tôi cho rằng vịnh Nha Trang, trong đó có bờ biển Nha Trang, là tài sản của nhân dân và duy nhất của nhân dân, hoàn toàn không thể nhân danh này, lý do kia để tùy tiện cắt khúc, phân mảnh “trao” cho các công ty này, tập đoàn kia khai thác như thế.

Theo VĂN KỲ - LÝ QUẢNG TRỊNH (TTO) ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm