Nhiều lỗ hổng trong cấp giấy phép lái xe

“Có người đi tù nhưng vẫn đổi được giấy phép lái xe” - Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) chỉ ra một ví dụ điển hình về lỗ hổng trong công tác quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe tại buổi tọa đàm “Chung tay giảm thiểu TNGT” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2-7.

Bộ GTVT: Chúng ta đang làm rất tốt!

Ông Hà cho hay, theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì người có đủ chân tay, tri giác, mắt tinh, tai thính mới được thi giấy phép lái xe. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quy định trên cũng được tuân thủ. “Tôi từng hỏi một trường hợp lái xe khách gây TNGT và phát hiện anh ta không biết chữ. Khi lập biên bản, anh ta phải điểm chỉ. Tôi hỏi học giấy phép lái xe ở đâu, anh ta không trả lời được vì làm thủ tục qua một người khác”.

Ông Hà kể tiếp: “Vụ tai nạn tại cầu Serepok (đêm 17-5-2012 làm 34 người chết), tôi được giao phối hợp với địa phương để điều tra. Trước đó lái xe này đã lĩnh tám năm tù vì án ma túy, thụ án bảy năm được mãn hạn. Không hiểu bằng cách nào mà khi thụ án được ba năm, anh ta vẫn đổi được giấy phép lái xe. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đổi giấy phép lần hai chưa được bao lâu thì gây ra tai nạn thảm khốc”.

Nhiều lỗ hổng trong cấp giấy phép lái xe ảnh 1

Tài xế trong vụ tai nạn tại cầu Serepok vào đêm 17-5-2012 làm 34 người chết vẫn đổi được giấy phép lái xe khi còn thụ án. Ảnh: DÂN VIỆT

Nghiêm trọng hơn, theo ông Hà còn có trường hợp chỉ có một chân vẫn được cấp giấy phép lái xe. Khi người này gây tai nạn, CSGT điều tra thì mới phát hiện. “Một loạt dẫn chứng trên cho thấy chúng ta kiểm soát đầu vào chưa chặt” - ông Hà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại cho rằng các ví dụ trên chỉ là hi hữu, cố tình lách bằng mọi cách để có giấy phép lái xe. “Những trường hợp này rất đáng lên án, trước sau gì pháp luật cũng tìm ra. Nhưng không thể lấy đó để đánh giá tổng thể. Đây chỉ là những con số rất nhỏ, còn thực tế chúng ta thực hiện rất đồng bộ, rất tốt (!). Vấn đề là phải làm thế nào khơi dậy được trách nhiệm của người lái xe” - ông Trường nói.

Mong người dân chia sẻ với CSGT

Đề cập đến tình trạng mãi lộ của CSGT, ông Hà cho biết: Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới 1.500 tỉ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng cũng xử lý trên 20 CSGT vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực. Nhiều CSGT đã bị xử lý nghiêm như chuyển khỏi lực lượng, thậm chí xử lý trước pháp luật. “Những trường hợp có đơn tố cáo đều được cơ quan thanh tra Bộ Công an kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Hà khẳng định.

Tuy nhiên, ông Hà mong người dân chia sẻ cho lực lượng CSGT. “Trời nắng nóng trên đường như thế, ai cũng muốn ngồi trong phòng mát nhưng lực lượng CSGT vẫn phải làm việc trên đường suốt ngày, thậm chí còn bị tấn công. Như khi thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư về bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đã có hơn 20 đồng chí hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương, có người vợ phải đút cháo suốt 10 năm trời,…” - ông Hà nói.

Theo ông Hà, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng luôn phải tuân thủ pháp luật dưới sự giám sát của nhân dân. “Chúng tôi có quy chế để kiểm soát, có đường dây nóng của Cục và của các tỉnh, thành. Khi phát hiện trường hợp sai phạm, người dân hãy phản ánh qua đường dây nóng hoặc qua đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết” - ông Hà nhấn mạnh.

Tương tự, ông Trường cũng mong người dân nếu phát hiện các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm hãy cung cấp thông tin để Bộ GTVT xử lý. “Vừa qua chúng tôi đã thành lập các đoàn đi kiểm tra những trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động bốn trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền ba cán bộ đăng kiểm” - ông Trường cho hay.

Tuần tra, kiểm soát nghiêm thì ý thức người dân sẽ cao lên

Muốn thay đổi ý thức giao thông cần phải có thời gian. Quá trình này ngắn hay dài phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tôi cho rằng có hai yếu tố quan trọng:

Thứ nhất, nếu công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện nghiêm thì ý thức chấp hành luật giao thông sẽ cao lên. Có thể thấy người Việt Nam ra nước ngoài chấp hành rất tốt nhưng về Việt Nam lại không chấp hành. Ở đây cũng có tâm lý đám đông nhưng phải thừa nhận thực tế là các nước kiểm soát giao thông tốt hơn.

Thứ hai, phải làm thế nào để việc tuyên truyền đạt được hiệu quả, thông điệp đưa ra cần rõ ràng. Phải đưa ngay giáo dục an toàn giao thông vào nhà trường để 5-10 năm nữa chúng ta có một thế hệ mới biết chia sẻ, nhường nhịn, có văn hóa khi tham gia giao thông.

Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP, Phó Chủ tịch
chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm