'Nhiều khi nghĩ mà ứa nước mắt...'

Sáng 27-9, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong giai đoạn 2006-2016.

Các đại biểu mổ xẻ các bất cập về quản lý đất rừng trong thời gian qua. Ảnh: TÂM AN

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2016 tổng diện tích rừng trên toàn quốc khoảng 14,38 triệu ha, trong đó đã giao cho cộng đồng quản lý là 1,13 triệu ha, chiếm 7,8% diện tích rừng cả nước.

Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho hay việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển và thực hiện chính sách xã hội hóa trong bảo vệ và phát triển rừng.

Nhờ đó góp phần thực hiện chiến lược điều chỉnh, phân bố lao động dân cư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững trong toàn ngành lâm nghiệp. Đồng thời thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực lâm nghiệp hằng năm và giai đoạn.

“Việc giao đất, giao rừng đã hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động thực vật rừng” - bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, một số địa phương hiện vẫn xảy ra việc tranh chấp đất giữa tổ chức được giao đất rừng và cộng đồng, các hộ gia đình. Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, canh tác vẫn còn “căng thẳng” ở nhiều địa phương như Nghệ An trên 16.000 hộ, Quảng Nam 14.550 hộ, Quảng Ngãi trên 8.700 hộ.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Chiến (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) cho rằng công tác giao đất, giao rừng thời gian qua vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Trong đó vai trò của các chủ rừng là cộng đồng và hộ gia đình chưa được nhìn nhận đúng mức. Theo thống kê, diện tích rừng chủ yếu được giao cho tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền cấp xã, tỉ lệ giao trực tiếp cho người dân còn rất thấp.

“Như vậy là chủ trương rừng có chủ chưa thực hiện được bao nhiêu. Bởi theo chúng tôi, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước, UBND xã chưa phải là chủ rừng đích thực” - ông Chiến nói.

Ông Chiến cho rằng cần tăng cường giao đất, giao rừng cho người dân để vừa bảo vệ, phát triển rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, vừa góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào. Việc giao đất, giao rừng cho hộ dân tộc thiểu số cũng cần phải gắn chặt với định canh, định cư và hạn chế di cư không theo kế hoạch thì mới thành công.

Nói về vấn đề này, bà Y Xuôi (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum) lo lắng: “Tình trạng tranh chấp đất giữa công ty và người dân xảy ra phổ biến tại Kon Tum. Một số người hễ thấy đất tốt là lập công ty ma để chiếm dụng đất. Chúng tôi chủ yếu sống dựa vào rừng. Nếu không có rừng, không có đất sản xuất thì bà con biết sống bằng gì? Nhiều khi nghĩ mà ứa nước mắt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm