‘Nhiều khả năng chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc chiến pháp lý’

Ngày 17-9, tại Hà Nội đã diễn ra đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 đại biểu.

Hội Luật quốc tế ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng và nguyện vọng đông đảo của giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam.

Mục đích nhằm thúc đẩy sự phát triển của luật quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam sáng nay.

Trước đó, ngày 25-8-2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định 2487/QĐ-BNG công nhận Ban Vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực luật quốc tế của Việt Nam như nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; ông Nguyễn Bá Sơn, Đại sứ, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao; Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và rất nhiều cá nhân có uy tín về luật quốc tế đã và đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.

Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan, ngày 20-6-2016, Bộ Nội vụ đã chính thức cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (Quyết định 1616/QĐ-BNV của bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Đại hội lần này sẽ thông qua quy chế của hội, bầu đoàn chủ tịch, ban chấp hành và ban kiểm soát của hội, phương hướng hoạt động của hội trong thời gian tới.

Việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội luật quốc tế của nhiều nước, khu vực trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nêu thực tế đánh giá một cách thực chất thì mặt bằng trình độ luật pháp quốc tế của Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Sau nhiều năm tham gia Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam hoặc đại diện của Việt Nam chưa được bầu vào các cơ quan hay tổ chức pháp lý quốc tế (ví dụ như Ủy ban Luật quốc tế hoặc Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp quốc, Tòa án Công lý quốc tế…).

“Điều đáng báo động là với trình độ như vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải chịu thua thiệt trong các “cuộc chiến pháp lý” nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các pháp nhân, công dân Việt Nam tại các tòa án hoặc cơ quan trọng tài quốc tế và nước ngoài” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm