Nhân phẩm: Người giá 300.000, người giá 20 triệu!

Mặc dù có nhiều nội dung về thi cử, tuyển sinh, đào tạo… nhưng dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD&ĐT soạn thảo chỉ đang thu hút sự quan tâm của dư luận về các quy định gắn với quan hệ thầy trò.

Mức phạt: Bên nặng, bên nhẹ

Theo dự thảo thì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục (và người học) có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. So với quy định hiện hành là Nghị định 138/2013, dự thảo không chỉ tăng gấp đôi mức phạt mà còn mở rộng đối tượng được bảo vệ nhân phẩm, danh dự trong lĩnh vực giáo dục (ngoài nhà giáo, cán bộ quản lý thì bổ sung thêm nhân viên cơ sở giáo dục).

Trên báo chí, mạng xã hội, hầu hết đều phản đối việc xử phạt và mức phạt của dự thảo với nhiều lý lẽ khác nhau. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn số đông cùng xem xét từ dự thảo trên chính là tính cần thiết của quy định. Chính phủ có nên ban hành quy định riêng để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm dành cho thầy cô, học sinh, sinh viên hay không?

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ người đàn ông 39 tuổi dùng sức mạnh ôm hôn và có nhiều hành động khiếm nhã với một nữ đồng nghiệp ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng. Cần so sánh ngay: Mức phạt gây nhiều bất bình này thấp hơn 18 lần (và có thể hơn 37 lần) mức phạt dành cho cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thầy, cô giáo, người học.

Nhiều mâu thuẫn và lắm hệ lụy

Chính phủ đang có đến bốn nghị định cùng ban hành vào năm 2013 để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm với bốn cách phạt nhẹ, nặng khác nhau tùy thuộc đối tượng bị xúc phạm. Ví dụ xúc phạm nhà giáo thì mức phạt khác, xúc phạm nhà báo thì mức phạt khác, mức phạt cho việc xúc phạm người bình thường thì lại khác nữa… Trong đó nếu xúc phạm người bình thường thì bị phạt thấp nhất.

Lý do nào các nghị định lại có sự phân biệt nạn nhân là người bình thường, người làm các nghề như công nhân, bác sĩ, kiểm sát viên… với nhà giáo, người học để có các mức phạt chênh nhau khá xa về việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm?

Chẳng lẽ khi bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm thì người bình thường ít cảm thấy ê chề hơn thầy cô, nhân viên nhà trường nên mức phạt dành cho người vi phạm phải lúc thấp, lúc cao? Có phải người bình thường thì ít bị tổn thương hơn các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục (và tới đây có cả nhân viên cơ sở giáo dục)? Nói cách nào đó, nhân phẩm có giá cao, thấp khác nhau; nhân phẩm của nhà giáo, người học thì có giá cao hơn nhiều người khác?

Thử hình dung về các nguy cơ nếu tới đây cũng vịn lẽ có nhiều bác sĩ, công an… bị lăng mạ gây bức xúc trong xã hội (như giải thích của Bộ GD&ĐT khi trình dự thảo trên để tăng tiền phạt), các bộ Y tế, Công an… cũng đòi có quy định phạt riêng để bảo vệ nhân sự trong ngành? Người dân biết đường nào lần với “rừng” luật về nhân phẩm!

Chưa kể, với phân định của Nghị định 159, 174 thì cùng là nhà báo bị xâm phạm nhưng nếu việc xâm phạm xảy ra ở ngoài đời thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt mút khung 20 triệu đồng, còn xâm phạm trên mạng thì cá nhân vi phạm chỉ có thể bị phạt mút khung 10 triệu đồng. Thấp, cao vậy là do bị xâm phạm trên mạng đỡ đau đớn hơn bị xâm phạm ở ngoài đời hay sao? Có chắc thế không?

Bất kỳ ai thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đều phải được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ như nhau. Vậy nên, các khác biệt đang có về mức phạt trong các nghị định là không thể nào chấp nhận được. Trong quan hệ với nhau qua việc dạy-học, một khi đã có hành vi vi phạm pháp luật thì những công dân như thầy cô, người học, phụ huynh… cũng phải chịu các trách nhiệm pháp lý giống như mọi công dân khác.

Chính phủ cần phải có sự thống nhất như vậy thì mới đảm bảo được nguyên tắc tối thượng là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, với nhân phẩm thì dứt khoát không có sự trọng, khinh.

Theo đó, nếu phụ huynh, người học xúc phạm thầy cô đến mức phải bị xử lý hành chính thì họ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định chung và còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất về tinh thần... Tương tự, thầy cô xúc phạm người học đến mức phải bị xử lý hành chính thì họ cũng sẽ bị xử phạt và phải xin lỗi hay còn phải bồi thường y như cách mà họ được nhận khi bị xúc phạm.

Bốn nghị định, bốn cách phạt khác nhau

Chính phủ đang có đến bốn nghị định cùng ban hành vào năm 2013 để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm với bốn cách phạt nhẹ, nặng khác nhau tùy thuộc đối tượng bị xúc phạm.

- Xúc phạm người bình thường: Nghị định 167 (do Bộ Công an đệ trình để áp dụng trong lĩnh vực an ninh trật tự…), đối tượng được điều chỉnh là mọi cá nhân. Theo điểm a khoản 1 Điều 5 nghị định này, người có cử chỉ, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trong vụ người phụ nữ bị sàm sỡ, công an huyện đã căn cứ vào điều khoản này để cho ra mức phạt trung bình 200.000 đồng.

- Xúc phạm thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục, người học: Nghị định 138 (do Bộ GD&ĐT đệ trình để thực hiện trong lĩnh vực giáo dục), đối tượng riêng được bảo vệ là thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục, người học. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (với tổ chức là vậy, còn nếu cá nhân vi phạm thì áp dụng 1/2). Mức phạt tiền này cũng áp dụng cho trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh, sinh viên.

- Xúc phạm nhà báo: Nghị định 159 (do Bộ TT&TT đệ trình để áp dụng trong hoạt động báo chí…), đối tượng riêng được bảo vệ là nhà báo mà việc xúc phạm nhắm đến mục đích cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Theo đó, cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo đang hoạt động nghề nghiệp có thể bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

- Xúc phạm trên mạng: Nghị định 174 (cũng do Bộ TT&TT đệ trình để áp dụng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…) có quy định riêng để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội. Cụ thể, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (cá nhân là 1/2).

Như vậy, có ba bộ Công an, GD&ĐT, TT&TT đã trình cho Chính phủ tuần tự ban hành nhiều nghị định khác nhau để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm áp dụng cho nhiều đối tượng, nghề nghiệp khác nhau, trong đó nếu xúc phạm người bình thường thì bị phạt thấp nhất.

THU TÂM

Nhiều nhầm lẫn về trách nhiệm pháp lý của thầy, cô giáo

Góp ý cho dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có người cho rằng không nên dùng tiền để điều chỉnh quan hệ thầy trò; thầy cô phạm lỗi với người học thì chỉ nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành…

Xem ra nhiều người đã có sự nhầm lẫn về trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) với chủ thể vi phạm pháp luật. Trong đó bên vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế nhà nước được pháp luật quy định.

Nói dễ hiểu hơn, do thầy trò cũng là công dân nên quan hệ giữa hai bên ngoài việc được điều chỉnh bằng đạo lý theo truyền thống lâu nay thì còn phải được điều chỉnh bằng pháp lý hễ có hành vi được xác định là vi phạm pháp luật.

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà các bên phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý phù hợp. Nếu chưa đến mức vi phạm pháp luật hành chính thì các bên có thể chỉ bị xử lý theo quy chế của ngành. Nếu đến mức vi phạm pháp luật hành chính thì các bên có thể bị Nhà nước áp dụng trách nhiệm hành chính. Hiện tại các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Nghị định 138/2013 để thu tiền phạt vào ngân sách nhà nước như những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính khác.

Trường hợp đến mức vi phạm pháp luật hình sự thì các bên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo các quy định của BLHS. Ngoài ra, nếu thầy cô vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động… thì có thể bị nhà trường áp dụng trách nhiệm kỷ luật theo pháp luật về viên chức.

Như vậy, mỗi loại trách nhiệm pháp lý có những quy định khác nhau về nội dung, chủ thể áp dụng (là Nhà nước hay hiệu trưởng), hình thức xử lý (phạt tiền, phạt tù, khiển trách, cảnh cáo…) và không có sự chồng chéo nhau như lo ngại không đúng của nhiều người.

NGUYÊN THY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm