Nhà ngoại giao TQ trắng trợn bịa đặt: “VN làm ngơ trước đề nghị đàm phán của TQ“

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với sự bảo vệ của gần 100 tàu các loại, kể cả tàu chiến, cùng các hành động tấn công có chủ ý vào các tàu thực thi pháp luật và tàu cá của ngư dân Việt Nam đã và đang bị nhiều nước trên thế giới lên án. 

Việt Nam cũng đã rất kiên trì áp dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền trên biển của mình theo luật pháp quốc tế. Thế nhưng một mặt, phía Trung Quốc không thay đổi lập trường của mình, mặt khác, các nhà ngoại giao và một số nhà nghiên cứu của nước này lại lớn tiếng trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ, châu Âu và châu Á nhằm cố tình đổ lỗi cho Việt Nam.

 Tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng vào tàu chấp pháp Việt Nam.

Trong vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dù đang bị dư luận quốc tế lên án, những nhà ngoại giao Trung Quốc này vẫn phát biểu rằng, Trung Quốc đang khai thác tài nguyên trong lãnh hải của họ (!), dựng chuyện Việt Nam sử dụng tàu vũ trang và cố tình lờ đi những biện pháp hòa bình của Việt Nam với những lập luận không thể chấp nhận.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ biện bạch rằng, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam là 150 hải lý, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí đó là hợp với luật pháp quốc tế (!).

Thế nhưng, giới học giả, nhất là những người nghiên cứu sâu về luật pháp quốc tế đã khẳng định. hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. 

Theo các học giả này, căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cụ thể là những quy định về vùng đặc quyền kinh tế, thì vị trí của giàn khoan trên hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và do đó, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm công ước này. 

Hàng loạt bài viết của các học giả được đăng trên các báo và tạp chí trên khắp thế giới, trên các trang điện tử, không ai cho rằng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí đó là hợp pháp.

Trong khi Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, UNCLOS 1982, DOC, khiến tình trong khu vực trở nên căng thẳng, ông Thôi Thiên Khải còn “đổi trắng thay đen” khi nói Việt Nam sử dụng tàu vũ trang để cản trở các tàu của Trung Quốc ở khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Ông Lưu Hồng Dương, một đồng nghiệp của ông Thôi Thiên Khải ở Gia-các-ta, cũng viết bài đăng báo bịa đặt rằng, có tới hơn 560 lần tàu Việt Nam cố ý đụng độ với tàu Trung Quốc trong vòng 3 tuần qua. 

Không rõ trong khi nói vậy thì các nhà ngoại giao trên có nhìn những hình ảnh nhiều tàu lớn của Trung Quốc bị móm mũi sắt do cố tình đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam hay không? Hay họ cố tình lờ đi sự thật là ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế, công bố hình ảnh cũng như các đoạn phim quay cảnh các tàu Trung Quốc hung hăng, cố tình lao thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, phun nước áp lực cao làm hư hại tàu và gây chấn thương cho các cán bộ thực thi luật pháp của Việt Nam. Hình ảnh nhiều tàu Trung Quốc mở bạt pháo hướng về phía các tàu của Việt Nam, máy bay Trung Quốc bay tầm thấp ngay phía trên các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, tàu Trung Quốc móm mũi, tàu Việt Nam vỡ mạn … đã đủ khẳng định ông Lưu Hồng Dương nói sai như thế nào.    

Việc ông Thôi Thiên Khải định lấy đảo Tri Tôn và Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam ra để làm căn cứ cho rằng, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc với ý đồ khiến dư luận quốc tế hiểu sai rằng quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. 

Trong nhiều năm, Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông và khu vực.

Ông Lưu cũng viết bài đăng trên một tờ báo của In-đô-nê-xi-a với thông tin sai trái rằng, Trung Quốc lần đầu tiên khoan trong khu vực của họ, trong khi “Việt Nam đã đánh dấu 57 lô dầu khí trong khu vực biển tranh chấp” và rằng, Việt Nam đang khai thác 7 mỏ dầu khí đồng thời sử dụng 37 giàn khoan mà Trung Quốc không can thiệp. 

Ông Lưu đã nhầm khi coi đây là vùng tranh chấp. Đây là vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Ông đã sai khi cho rằng, Trung Quốc không can thiệp việc Việt Nam khai thác dầu khí là vì Trung Quốc kiềm chế và vì các mối quan hệ đại cục với Việt Nam cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực. Lập luận đó hoàn toàn không có cơ sở. 

Làm sao Trung Quốc có thể can thiệp khi Việt Nam đang tuân thủ đúng luật pháp quốc tế đối với việc sử dụng và khai thác tài nguyên theo quyền được quy định trong luật pháp quốc tế của mình? 

Làm sao giữ quan hệ đại cục với Việt Nam khi Trung Quốc cử cả tàu chiến tới khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với các hành động như đã nói ở trên?

Ông Lưu Hồng Dương cũng cố ý nói sai rằng, Trung Quốc muốn có một giải pháp thông qua đàm phán với Việt Nam về vấn đề Biển Đông nhưng Việt Nam đã làm ngơ trước lời đề nghị này. Điều này hoàn toàn không đúng với những gì diễn ra trên thực tế. 

Ngày 20-5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết, tới nay, Việt Nam đã có 20 cuộc giao thiệp với phía Trung Quốc từ khi sự việc xảy ra. Thế nhưng theo lẽ thường, ai cũng thấy sẽ khó có thể có một cuộc đàm phán có kết quả nếu Trung Quốc không thay đổi lập trường khi khăng khăng cho rằng, “giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trong lãnh hải Trung Quốc và Việt Nam cố tình quấy nhiễu, cản phá”. 

Việt Nam đã công khai quan điểm của mình tại các diễn đàn quốc tế. Trong cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn tại My-an-ma vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã nhấn mạnh: Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định chính trị-xã hội trong nước, tiếp tục đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc theo tinh thần đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, để phát triển kinh tế-xã hội.

“Tôi cũng bày tỏ mong muốn hai bên cùng nhau kiềm chế trên thực địa và tích cực tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý vụ việc ổn thỏa, nhằm sớm ổn định lại tình hình” - Đó là mong muốn rất thiện chí của Việt Nam đã được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nêu rõ trong cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Một trong những nhiệm vụ chính của các nhà ngoại giao là làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ và phát triển giữa các nước. Thế nhưng, những phát biểu gần đây của một số nhà ngoại giao Trung Quốc, như đã nói ở trên, không những thiếu tinh thần xây dựng, cố tình nói sai sự thật và hoàn toàn không vì lợi ích, hòa bình, ổn định của hai nước, khu vực và thế giới.

Theo NGỌC HƯNG (QĐND)

Vô lối đặt điều kiện đàm phán

Trước đó, như PLO đã đưa tin, Yi Xianliang, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút tàu khỏi khu vực đặt giàn khoan Hải Dương-981. Tuyên bố được đưa ra sau khi Việt Nam khẳng định Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công và đâm vào tàu Việt Nam, khiến một số tàu bị hư hỏng nặng và 6 kiểm ngư viên bị thương.

Theo Yi, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đàm phán nhưng với điều kiện Hà Nội phải cho rút các tàu về. "Chúng tôi có thể giải quyết vấn đề này một cách thích hợp. Chúng tôi có khả năng, tự tin và sự khôn ngoan để làm điều đó", Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm