Nhà đất vẫn còn bị làm giá

“Từ đầu năm đến nay, lượng giao dịch về nhà đất ở TP.HCM không có nhiều biến động, lượng cung khá dồi dào, giá thấp hơn nhiều so với Hà Nội. Hiện nhà giá thấp ở TP.HCM chỉ trên 10 triệu đồng/m2 trong khi giá nhà tái định cư ở Hà Nội phải trên 20 triệu đồng/m2. Phân khúc thị trường nhà ở cao cấp tại TP.HCM cũng khá trầm lắng”. Đó là đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian qua của ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Diễn đàn Phát triển thị trường BĐS Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27-7.

Nhà TP.HCM rẻ hơn Hà Nội

Theo đánh giá chung, thị trường nhà đất Hà Nội trong sáu tháng đầu năm đã trải qua một cơn sốt mạnh. Giao dịch đất nền tại hầu hết các dự án đô thị mới, dự án nhà ở trong TP rất sôi động, giá tăng lên theo từng tháng, trong đó tăng mạnh nhất là nhà đất tại khu vực phía tây TP. Tại các dự án khu vực Hà Đông, giá chuyển nhượng đất nền trong tháng 5 tăng trung bình 50% so với đầu năm. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng giá chóng mặt, lượng giao dịch và giá nhà đất ở Hà Nội đã ổn định trở lại dù giá vẫn ở mức cao.

Nhà đất vẫn còn bị làm giá ảnh 1

Giá nhà đất tại Hà Nội vẫn đang ở mức cao dù lượng giao dịch đang chững lại. Ảnh: HOÀNG VÂN

Bộ Xây dựng cho biết sở dĩ nhà ở tại TP.HCM nhiều và giá rẻ hơn Hà Nội là do dự án BĐS ở đây chủ yếu được các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Trong khi đó, dự án nhà ở tại Hà Nội phần lớn do tổng công ty nhà nước làm. “Gần một nửa dư nợ BĐS tại ngân hàng hiện nay là của TP.HCM, vì vậy sức ép phải bán nhanh khi đến kỳ đáo hạn nợ lớn hơn. Mặt khác, người dân TP.HCM cũng mạnh tay hơn trong việc vay tiền ngân hàng để mua nhà, xây nhà” - ông Nam nói.

Riêng các thị trường khác như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam hiện có quy hoạch khá đồng bộ, hạ tầng được làm nhanh nên tiếp tục thu hút vốn của các nhà đầu tư và có chiều hướng tăng giá.

Đầu cơ, thổi giá đang phổ biến

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), khái quát về thị trường BĐS cả nước trong sáu tháng đầu năm: “Thị trường diễn biến phức tạp, việc đầu cơ, thổi giá, đầu tư theo phong trào diễn ra phổ biến”.

Cùng nhận định trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai chỉ rõ: Do còn thiếu tính công khai, minh bạch nên thị trường nhà đất đã và đang chịu nhiều tác động của tin đồn, của các chiêu làm giá của giới đầu cơ. Bên cạnh đó, xu thế chung của giá BĐS là tăng liên tục, thậm chí tăng gấp vài lần đến hàng chục lần sau một thời gian không dài. Cung BĐS luôn ở trạng thái thiếu trong khi cầu lại rất lớn nên đã tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư tìm kiếm siêu lợi nhuận chỉ trong thời gian ngắn.

Để kéo giá nhà đất đến gần hơn với khả năng của người có nhu cầu, nhiều ý kiến cho rằng minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng nhất. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long nêu thực tế: “Hiện nhiều người mua nhà để ở đang thiếu thông tin do các chủ đầu tư ít chú trọng đến việc công khai thông tin về quy hoạch, dự án”. Về việc này, bà Vũ Thị Hòa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, hướng dẫn: người dân có thể trực tiếp đến gặp chủ đầu tư hoặc qua Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng để lấy thông tin về dự án (quy mô, chủ đầu tư, tiến độ thực hiện, vốn đầu tư…). Sau khi có được thông tin, người mua nên giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS để có thể mua được nhà trực tiếp từ chủ đầu tư mà không phải qua trung gian khiến giá bị đội lên như hiện nay.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm