Nhà báo sẻ chia những tấm lòng: Hai ký cá nục trước cổng

1. Tết 2008 khi lên Tánh Linh để điều tra về vụ ăn chặn tiền quà tết của người nghèo, nhìn bà cụ gần tám chục tuổi còng lưng, ốm yếu ngồi trước bậc cửa căn chòi rách nát của mình mà thương đến đứt ruột. Móc bóp còn có 400.000 đồng, tôi đưa biếu bà cụ 350.000 đồng và giữ lại 50.000 đồng để đổ xăng ra về, cứ trách lòng sao không giúp cụ được nhiều hơn.

Kể từ đó, đi đến đâu dù mục tiêu là thu thập tài liệu để viết bài phản ảnh về những vụ tiêu cực, tham nhũng hay đồng hành cũng những thân phận bị kết án oan sai, tôi đều nghe ngóng để tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh, thương tâm. Tháng 9-2013, tôi dự phiên tòa xét xử một bị cáo điều khiển xe đầu kéo tông hai vợ chồng ở Bình Dương thiệt mạng và làm đứa bé trai con của vợ chồng nạn nhân mới hơn ba tuổi bị cắt cụt chân đến tận bẹn, tỉ lệ thương tật đến 94%. Nhìn người tình nguyện viên đẩy bé Thiên Bảo trên xe lăn vào tòa mà ai cũng rớt nước mắt, thậm chí chủ tọa, hội thẩm mắt cũng đỏ hoe. Bài báo “Phiên tòa nước mắt” được đăng trên Pháp Luật TP.HCM vào hôm sau và được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, hàng trăm triệu đồng của bạn đọc đã dồn dập gửi về giúp đỡ bé.

Mẹ con Thắm lúc còn điều trị tại bệnh viện. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Một tháng sau, vụ bé Nguyễn Hữu Khang (29 tháng tuổi) từ một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh bỗng mù, liệt sau khi mổ thoát vị bẹn. Nếu viết phản ảnh trên báo thì chỉ đơn thuần đấu tranh về pháp lý, xác định trách nhiệm của bệnh viện nhưng việc cần thiết hơn cả là tính mạng đứa bé đang nguy kịch trong khi cha mẹ lại quá nghèo. Mấy đêm liền tôi thức trắng tại bệnh viện để cùng chăm sóc bé, có lẽ điều đó lay động cộng đồng Facebook. Rất nhiều người tham gia từ lúc đưa bé Khang lên xe cứu thương ở Phan Thiết cho đến khi đến BV Nhi đồng 1. Rất nhiều những người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, ca sĩ đã cùng đồng hành. Hơn nửa tỉ đồng cùng với nhiều sữa, thuốc men được gửi đến giúp bé. Và kỳ diệu thay, dù các bác sĩ khẳng định bé sẽ liệt, mù vĩnh viễn nhưng gần đây mắt bé Khang đã sáng và thằng bé đang chập chững tập đi trong niềm vui khôn tả của mọi người.

2. Tôi viết về Thắm, cô sinh viên mới ra trường đã trở thành người mẹ đơn thân và bị liệt sau khi sinh con. Chỉ một tuần đã có hàng trăm triệu đồng gửi đến giúp đỡ, căn nhà tình thương cũng được xây dựng. Bé Kim Ngân ở Phan Thiết bị nhược cơ phải nghỉ học, cha bán hàng rong không tiền nên mỗi chiều ôm con ra biển lấy cát lấp lại chữa trị cho con theo kiểu của mình. Lần đó sau một tuần kêu gọi, số tiền được hỗ trợ chỉ mới 50 triệu đồng trong khi căn bệnh này ít nhất cũng vài trăm triệu. Tôi quyết gạt xấu hổ xin phép chủ một nhà hàng cho năm phút để đứng giữa quán nói về trường hợp của bé Ngân và ngửa nón xin được sẻ chia. Số tiền mọi người giúp cho bé Ngân tăng dần lên đến hơn 300 triệu đồng. Rồi tôi chạy tìm các giáo sư y khoa đầu ngành hội chẩn miễn phí cho em.

Đó cũng là trường hợp của bốn chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ rau cháo nuôi nhau. Hay trường hợp của bé Kim Linh ở Bắc Bình (Bình Thuận) bán vé số không hết bị mẹ đốt sau 50 ngày kêu gọi đã có xấp xỉ 1 tỉ đồng gửi về ủng hộ, hay trường hợp bé Vạn Bảo bị bỏ rơi trước cổng chùa, trường hợp chị Khê ở Phú Hài, Phan Thiết bị chồng phóng hỏa thiêu tử vong. Cảm động nhất vẫn là trường hợp ba anh em ruột ở Suối Kiết bị chết đuối. Chỉ trong vòng chục ngày đã có gần 900 người ủng hộ với số tiền hơn 1 tỉ đồng…

3. Làm báo không phải vui vì “hạ bệ”, “đánh” được ai mà vui vì cảm thấy mình làm được chiếc cầu nối đưa những tấm lòng từ tâm của bạn đọc, bạn bè đến với những hoàn cảnh thương tâm, mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ. Cuối tháng 5-2016 khi tôi vừa đi công tác về, bất ngờ thấy trước cổng treo một bịch nylon trong đó có khoảng hai ký cá nục tươi roi rói. Chưa kịp hiểu của ai thì nhận tin nhắn với nội dung “Em mới ở đảo Phú Quý vô có mấy ký cá tươi gửi anh kho ăn cơm. Hiền, mẹ bé Khang”. Trời ơi, vui ngất trời luôn! Không phải vì bịch cá mà là vui bởi đã hơn ba năm rồi những người được giúp đỡ vẫn không quên mình. Không, họ không bao giờ quên đâu. Làm sao mà quên được những người làm cầu nối, đặc biệt là những ân nhân có tên hoặc không tên đã giang rộng vòng tay nhân ái và sẻ chia, bởi sự giúp đỡ dù cho nhỏ đến thế nào cũng hàm chứa cả tấm lòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm