Nhà báo bị bắt, lỗi tại đâu?

Ngày 10-8, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo bên cạnh việc đánh giá những điểm nổi bật của các cơ quan báo chí thì cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Theo đó vẫn còn tồn tại tình trạng một số cơ quan chủ quản, tập trung chủ yếu ở các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí, để báo chí thông tin không đúng theo tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động. Đặc biệt là báo của một số hội nghề nghiệp, sinh ra tờ báo nhưng không phục vụ đúng đối tượng của mình.

PV Phạm Lê Hoàng Uyển thuộc tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập mới bị bắt tại Công an TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, gần đây xuất hiện tình trạng có cơ quan báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Có khi báo chí chỉ nghe một chiều rồi đăng tin, sau đó báo này làm xong bán hoặc đưa cho báo kia, dẫn đến tình trạng sai có hệ thống, sai hàng loạt. Số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng. Các văn bản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại báo chí cũng ngày càng tăng.

“Việc một số nhà báo, PV có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí, không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo” - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Ông Bảo cũng cho biết tới đây, sau khi Thủ tướng ký ban hành quy hoạch báo chí đến năm 2025, Bộ TT&TT sẽ rà soát và cấp lại giấy phép cho các cơ quan báo chí. Nếu không siết lại thì sẽ rơi vào tình trạng báo chí rất đông nhưng thông tin trùng lặp, không đáp ứng đa dạng đối tượng bạn đọc trong xã hội. “Cùng một thông tin nhưng rất nhiều báo đưa dù chẳng liên quan đối tượng độc giả chính của mình, trong khi có những vấn đề rất thiết thực với đối tượng phục vụ chính của mình thì lại không đưa” - ông dẫn chứng.

18.000 nhà báo được cấp thẻ trên cả nước tính đến tháng 6-2017, theo báo cáo tại hội nghị.

Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí. Các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí. Từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả.

Nữ PV nhận tiền ở Cần Thơ thừa nhận có người tiếp tay

Sáng 10-8, Cơ quan An ninh điều tra TP Cần Thơ vẫn đang củng cố hồ sơ để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Lê Hoàng Uyển (41 tuổi, trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập), đồng thời làm rõ một số nghi phạm có liên quan đến việc bà Uyển tống tiền doanh nghiệp (DN).

Làm việc với cơ quan điều tra, bà Uyển cho biết có quen từ trước với ông Võ Thanh Long, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt và Công ty CP Bất động sản Cao Thắng. Bà này cũng thừa nhận có người tiếp tay trong quá trình tống tiền hai DN thông qua việc hứa sẽ gỡ loạt ba bài điều tra mà báo Phụ Nữ TP.HCM đã đăng liên quan đến hai DN này. Cơ quan điều tra đang triệu tập những người có liên quan trong việc câu kết với bà Uyển tống tiền DN để làm rõ.

Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, sau khi ba bài báo liên quan đến hai DN trên được đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Uyển liên hệ cho giám đốc DN ra giá nếu muốn gỡ ba bài viết trên thì phải đưa 700 triệu đồng. Nếu chậm trễ, báo tiếp tục đăng thêm một bài nữa và khi đó muốn gỡ xuống thì số tiền là 1 tỉ đồng. Sau khi thống nhất số tiền trên, bà Uyển từ TP.HCM xuống Cần Thơ nhận tiền thì bị bắt quả tang.

TÍN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm