Nguyên lãnh đạo huyện Tiên Lãng ra tòa

Sáng 8-4, TAND TP Hải Phòng xử sơ thẩm vụ hủy hoại tài sản khi thực hiện việc cưỡng chế tại khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn. Vụ án có năm bị cáo gồm Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch huyện Tiên Lãng), Nguyễn Văn Khanh (nguyên phó chủ tịch), Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng Phòng TN&MT), Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã Vinh Quang) và Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Vinh Quang).

Trong số năm bị cáo thì chỉ có bị cáo Khanh bị tạm giam, bốn người còn lại đều được tại ngoại. Ông Vươn cùng vợ và em dâu xuất hiện ở phiên tòa này với tư cách người bị hại.

Thiệt hại gần 300 triệu đồng

Theo cáo trạng, ngày 5-1-2012, bị cáo Khanh (trưởng đoàn) đã chỉ đạo dùng xà beng, búa tạ đập phá nhà trông đầm, công trình phụ, đốt lều trông đầm để cưỡng chế khu đầm của hộ ông Vươn theo quyết định cưỡng chế do bị cáo Hiền ký. Tiếp đó, các bị cáo Khanh, Hoan, Liêm gọi điện thoại thuê máy xúc đến đập phá căn nhà hai tầng của ông Đoàn Văn Quý trên diện tích đất không bị thu hồi. Sáng 6-1-2012, người lái máy xúc đã thực hiện đập phá căn nhà hai tầng của ông Quý theo lệnh của hai bị cáo Hoan, Liêm.

Mặc dù bị cáo Khanh không thừa nhận hành vi chỉ đạo đập phá công trình trên đầm ông Vươn, tuy nhiên VKS cho rằng bị cáo Khanh đã có mặt chỉ đạo cưỡng chế, trực tiếp ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế phá nhà ông Vươn, ông Quý. Các bị cáo Hoa, Hoan, Liêm biết chỉ đạo phá tài sản của bị cáo Khanh là sai nhưng vẫn giúp sức thực hiện. Bị cáo Lê Văn Hiền với tư cách chủ tịch huyện đã thiếu trách nhiệm để cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn.

Nguyên lãnh đạo huyện Tiên Lãng ra tòa ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Theo kết quả định giá, toàn bộ các công trình bị hủy hoại trên khu đầm của ông Vươn trị giá hơn 295 triệu đồng. VKS truy tố bị cáo Khanh, Hoa, Liêm về tội hủy hoại tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS (mức án 7-15 năm tù). Bị cáo Hoan bị truy tố tội hủy hoại tài sản theo điểm g khoản 2 Điều 143 (mức án 2-7 năm tù). Bị cáo Hiền bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 285 BLHS (mức án từ sáu tháng đến năm năm tù hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm).

“Tháo dỡ lều chứ không phá nhà”

Tại phiên tòa, bị cáo Hiền cho biết: “Trong suốt quá trình sử dụng, gia đình ông Vươn không có ý kiến gì về thời hạn giao đất. Tôi nghĩ gia đình ông Vươn đồng ý với chủ trương hết thời hạn phải trả đất và bàn giao công trình trên đất. Đất thuộc dự án Vinh Quang 2, được thu hồi chuyển sang cho thuê, không có vụ lợi gì. Trước khi hết thời hạn giao đất, gia đình ông Vươn không có đơn xin tiếp tục được sử dụng đất. Do vậy, chúng tôi căn cứ vào quyết định giao đất (Quyết định 447) và điểm 10 Điều 38 Luật Đất đai khi thời hạn giao đất 14 năm đã hết nên thu hồi”.

Phần này, ông Vươn bảo: Sau khi có quyết định thu hồi, ông có thắc mắc với cán bộ phụ trách thủy sản nông nghiệp của huyện là đã đầu tư lớn, không thể thu hồi được. Ý kiến này của ông Vươn không được đáp ứng.

Bị cáo Hiền bảo đã thực hiện theo đúng các quy định. Tuy nhiên, bị cáo Hiền thừa nhận khi có kết luận của Thủ tướng (ngày 10-2-2012) thì bị cáo biết mình đã ký quyết định không đúng. Trong các cuộc họp triển khai cưỡng chế, bị cáo không bàn tới nội dung phá dỡ nhà của ông Vươn. Bị cáo “có sai, đã thiếu trách nhiệm” vì không nắm được việc phá dỡ nhà.

Bị cáo Hoa thì cho rằng cáo trạng truy tố mình vừa đúng vừa không đúng vì bị cáo chỉ “tháo dỡ” chứ không “phá dỡ”...

Bị cáo Khanh nói: “Bị cáo Hoan khai tôi chỉ đạo phá nhà hai tầng sáng 6-1-2012 là không đúng. Chiều hôm đó Hoan có nhờ tôi gọi điện thoại thuê máy xúc tới. Tôi gọi máy xúc để ngăn đầm chứ không phải phá nhà”.

Theo bị cáo Khanh, trong các cuộc họp trước khi cưỡng chế, có nội dung phá dỡ các căn nhà tại khu đầm nhưng bị cáo Khanh đều phản đối. Vì vậy trước khi ký thông báo phân công tổ công tác phá dỡ lều trông coi đầm, bị cáo đã sửa cụm từ “phá nhà” do Phòng TN&MT soạn thảo, thay bằng cụm từ “tháo dỡ lều”...

Ông Vươn xin giảm nhẹ cho ông Khanh

Ông Vươn cho rằng lời khai của bị cáo Hoa, Hiền có mâu thuẫn, lúc thì nói quyết định thu hồi, cưỡng chế đúng pháp luật, lúc lại thừa nhận trái luật. “Tôi đề nghị tòa vận dụng các tình tiết giảm nhẹ cho ông Khanh” - ông Vươn đề nghị.

Cũng trong phiên tòa, lời khai của các nhân chứng đã thể hiện sự thiếu thống nhất. Có người cho rằng đã thấy bị cáo Khanh phát lệnh cho các tổ thực hiện nhiệm vụ và có mặt tại khu nhà ông Vươn để chỉ huy. Có người bảo không thấy bị cáo này tại hiện trường...

Nhân chứng Vũ Văn Dũng và Đào Quang Thủ (là cán bộ trong đoàn cưỡng chế) khẳng định chiều 5-1, ông Khanh không có mặt ở nhà ông Vươn khi nhà và công trình phụ bị phá. Tuy nhiên, nhân chứng Đào Quang Thủ lại cho rằng sau khi phá nhà ông Vươn trong vùng cưỡng chế 19,3 ha có thấy bị cáo Khanh, Hoa chỉ đạo phá căn nhà hai tầng của ông Quý...

Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 10-4.

Sau vụ cưỡng chế tại khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn, ngày 10-2-2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật. Tiếp đó, nhiều cán bộ tại huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý. Đầu năm 2013, ông Lê Văn Hiền (nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm và Phạm Đăng cũng bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản...

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm